Alomuabannhadat – Tại các khu vực vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An rất nhiều khu đô thị được xây dựng bài bản nhưng rồi bỏ hoang suốt nhiều năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản những khu vực này liên tục xuất hiện những cơn sốt đất, giá bán cũng leo thang không ngừng.
Đây là hình ảnh Alomuabannhadat ghi nhận tại dự án Thăng Long Home – Phước An những ngày giữa tháng 7/2020. Dự án này do Công ty Cổ phần Địa ốc Thăng Long (Thăng Long Real Group) làm chủ đầu tư nằm trong Khu đô thị DTA tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có quy mô 3,6ha gồm 411 căn nhà phố này đã được xây dựng và bàn giao nhà cho người mua từ cuối năm 2015. Được biết, giá bán mỗi căn nhà phố này thời điểm đó là 1,3 – 1,5 tỉ đồng.
Thời điểm chào bán ra thị trường, cả chủ đầu tư dự án lẫn khách hàng đều kỳ vọng sau khi hoàn thành nó sẽ là một khu đô thị đông đúc, giàu sức sống. Thế nhưng, sau 5 năm, thực tế đã hoàn toàn khác. Rất nhiều căn nhà phố tại dự án này bị bỏ hoang, một số để mặc cỏ dại mọc um tùm. Nhiều chủ nhà, dù cố gắng dán thông tin để cho thuê nhưng vẫn không tìm được người có nhu cầu.
Bên trong dự án, ngoài một tiểu công viên, không có tiện ích gì khác nổi bật. Nhiều khu vực, rác thải để lâu ngày không xử lý gây mất vệ sinh.
Theo một người dân, khó khăn lớn nhất ở đây khiến người mua không về ở là khu vực này vẫn ít dân, cách xa các tiện ích cơ bản như chợ, trường học, mua sắm, giải trí…
Những gì đang diễn ra tại dự án Thăng Long Home – Phước An là thực trạng chung của thị trường bất động sản Nhơn Trạch. Kể từ khi được phê duyệt lên thành phố mới từ năm 1996, Nhơn Trạch vẫn chưa thể vươn mình thành một đô thị vệ tinh sầm uất như kỳ vọng. Thay vào đó, đô thị này trở thành “mồ chôn” của hàng loạt dự án bất động sản. Hình ảnh những khu đô thị bỏ hoang vẫn xuất hiện la liệt tại Nhơn Trạch. Bất chấp thực tế đó, Nhơn Trạch luôn là một trong những điểm nóng nhất của thị trường bất động sản. Ăn theo những dự án hạ tầng vẫn còn nằm trên giấy như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái làn sóng đầu tư vẫn liên tục đổ về đây tạo nên những cơn sốt đất và đẩy giá đất lên cao ngất ngưỡng.
Cũng như Nhơn Trạch, Thành phố mới Bình Dương là đô thị vệ tinh từng rất được kỳ vọng khi thành lập. Đô thị nằm ở vùng thủ phủ công nghiệp của cả nước có thế mạnh về cơ sở hạ tầng được đầu tư rất tốt. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, Thành phố mới Bình Dương vẫn vắng vẻ, rất nhiều dự án khu đô thị được xây dựng quy mô nhưng không thể thu hút người dân về ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thống kê cho thấy hiện chỉ có 10% người mua bất động sản ở các khu vực vùng ven là để ở, 90% còn lại chủ yếu mua đầu tư. Ông Châu cho rằng, với những nhà đầu tư mua chỉ tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá sẽ là tai họa cho thị trường, là nguy cơ hình thành các đô thị bỏ hoang tại các vùng ven.
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, xu hướng đầu tư ra các đô thị vùng ven là điều dễ hiểu khi quỹ đất khu thành phố ngày càng ít, giá bán cao. Trong khi đó, những khu vực vùng ven với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân.
Tuy nhiên, để hình thành một đô thị thật sự ở vùng ven ngoài yếu tố hạ tầng giao thông còn cần đòi hỏi các điều kiện cơ bản về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội mới có thể kéo người dân về sinh sống.
theo CafeLand