Hai dự án chống ngập lớn nhất trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) hiện vẫn chưa thể triển khai do chưa giải quyết được bài toán tài chính.
Một đoạn rạch ô nhiễm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - H.Mai
Đây là thông tin được ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM trong buổi thực địa kiểm tra các dự án chống ngập trên địa bàn quận Bình Thạnh diễn ra sáng nay (24.5).
Chậm trễ, chi phí giải phóng mặt bằng rạch Xuyên Tâm tăng gần gấp 4
Ông Phương cho biết qua rà soát, tình hình ngập nước trên địa bàn quận Bình Thạnh đã giảm, ngập do triều gần như đã được giải quyết dứt điểm. Trong số 32 điểm ngập do mưa trên địa bàn quận quản lý, đã giải quyết được 24 điểm, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành giải quyết 6/7 điểm ngập trên địa bàn thành phố quản lý.
Theo vị này, cơ bản đến nay, một số dự án chống ngập vẫn đảm bảo tiến độ đề ra như dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm, dự án cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 2,3,4...
Tuy nhiên, hai dự án lớn, trọng điểm về di dời nhà ở ven sông, trên kênh rạch, tác động đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân là rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm, vẫn chưa chọn được nhà đầu tư và chưa được thông qua chủ trương đầu tư công để ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng làm cơ sở triển khai thực hiện.
Cụ thể, đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2 km), từ tháng 8.2016, Thành ủy UBND TP đã giao cho quận bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 12.2018.
Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư.
Theo đó, dự án ban đầu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hơn 2.000 tỉ đồng là chi phí xây lắp.
Tuy nhiên do chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã "đội" lên 3.750 tỉ đồng.
Đoàn giám sát HĐND TP thực địa một số dự án chống ngập đang được triển khai trên địa bàn quận Bình Thạnh - H.Mai
"Với tổng vốn đầu tư lớn như vậy, để 1 doanh nghiệp đứng ra lo hết rất khó khả thi, Do đó, quận đang đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương giao UBND quận Bình Thạnh là chủ đầu tư, dùng ngân sách lo phần giải phóng mặt bằng, còn lại phần xây lắp mới cho kêu gọi, đấu thầu chọn nhà đầu tư. Hy vọng nếu được chấp thuận, dự án có thể nhanh chóng được triển khai" - ông Phương thông tin.
Cải tạo rạch gặp khó vì mức đầu tư quá lớn
Tương tự, dự án cải tạo rạch Văn Thánh (khoảng 2 km) cũng đang gặp khó vì tổng mức đầu tư lớn, khó thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dự án được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT nhưng do thời gian qua, các dự án BT trên địa bàn TP phải tạm ngưng chờ hướng dẫn cơ chế nên rạch Văn Thánh cũng đang phải "nằm chờ".
UBND quận Bình Thạnh tiếp tục kiến nghị UBND TP cho phép tách phần bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi phần xây lắp để dự án có thể "chạy" nhanh hơn.
Đối với đường Nguyễn Hữu Cảnh, tuyến đường được coi là "rốn ngập" của TP, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự kiến sẽ triển khai thi công vào tháng 6 tới.
Trong thời gian này, UBND quận cũng phối hợp với các đơn vị liên quan nạo vét, khơi thông hệ thống cống và hỗ trợ "siêu" máy bơm hoạt động, chống ngập tạm thời cho tuyến đường.
Nhà dân lấn chiếm lòng kênh, rạch khiến rác thải không thoát được, nghẽn dòng kênh gây ngập úng mùa mưa - H.Mai
Kết thúc buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải nhận xét nhìn chung, thời gian qua UBND quận Bình Thạnh đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp, dự án, kéo giảm tới mức tối đa tình trạng ngập úng trên địa bàn quận.
Tuy nhiên các dự án trọng điểm đang triển khai còn chậm, mới chỉ dừng ở công tác giải phóng mặt bằng và vẫn chưa đưa ra đươc tiến độ hoàn thành để người dân yên tâm.
Ông Hải yêu cầu UBND quận Bình Thạnh tăng cường kết nối tổng thể các dự án thoát nước, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Sở, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đồng thời có biện pháp tuyên truyền, xử phạt thật nặng các hành vi vứt rác bừa bãi để đảm bảo hệ thống thoát nước thông thoáng.
"Ngày 13.6 tới, HĐND TP sẽ tổ chức cuộc họp với UBND TP, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, tìm ra phương án tháo gỡ để đẩy nhanh các dự án chống ngập trên toàn thành phố" - đại diện HĐND TP khẳng định.
theo CafeLand