Doanh nghiệp ‘than’ về thủ tục cấp phép dự án nhà ở thương mại

Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng thủ tục xin cấp giấy phép các dự án nhà ở thương mại còn rườm rà, nhiều quy trình và cần rút ngắn.

Một dự án bất động sản tại Hà Nội. Ảnh: Vân Ly

Khi quy trình được rút ngắn sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường nhanh hơn, phù hợp trong bối cảnh thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở thương mại như hiện nay.

Ghi nhận thông tin từ một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, Luật Nhà ở và Luật Xây dựng năm 2014 được áp dụng vào các dự án nhà ở thương mại đang vướng rất nhiều bất cập. Do đó từ khi xin chủ trương đầu tư cho đến khi triển khai xây dựng phải mất ít nhất ba năm. Có khi phải mất đến 5-10 năm mới có thể làm xong các quy trình, thủ tục mà cơ quan chức năng yêu cầu.

Để xin cấp giấy phép xây dựng, trước hết phải lập thiết kế cơ sở, thiết kế thi công. Nhưng trong đó lại có rất nhiều quy trình, giấy phép nhỏ khác như duyệt chiều cao; duyệt đấu nối hạ tầng; duyệt phòng cháy chữa cháy; chứng chỉ năng lực của tổ chức; quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; quy định về vận hành chiếu sáng... và mỗi một quy trình phải mất từ 1-2 năm. Cứ mỗi năm kéo dài doanh nghiệp phải thêm rất nhiều chi phí, từ lãi suất ngân hàng, chi phí vận hành, kéo theo khi sản phẩm được đưa ra thị trường thì mỗi năm cũng phải tăng lên từ 5-10%.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng thủ tục hành chính rườm rà là rào cản lớn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp bất động sản, làm gia tăng chi phí đầu tư giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư gồm năm bước sau: (1) thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; (2) thực hiện thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; (4) thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng; (5) triển khai đầu tư xây dựng.

Các doanh nghiệp cho hay việc nộp tiền sử dụng đất trước khi làm các thủ tục còn lại còn bất cập – làm cho doanh nghiệp bị “chôn vốn” trong thời gian khá dài trong khi vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng. Đây chính là lý do khiến cho giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên.

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng nếu vẫn thực hiện quy trình quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhà ở thương mại như hiện nay, nên chuyển quy trình nộp tiền sử dụng đất khi đã đầy đủ các hồ sơ. Khi nộp tiền sử dụng đất có nghĩa là doanh nghiệp đã được phép để triển khai dự án ngay.

Thêm nữa các doanh nghiệp cho rằng nên rút ngắn quy trình đầu tư một dự án nhà ở thương mại xuống còn 4 bước như sau: (1) chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; (2) lập thủ tục trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng dự án; (3) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng; (4) xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng thủ tục hành chính kéo dài dẫn đến việc nhiều dự án bị dừng hoặc chậm triển khai, khiến cho nguồn cung mới trên thị trường bị ảnh hưởng. Do đó, thời gian gần đây thị trường nhà ở thương mại tại Hà Nội và TPHCM đều tăng giá do thiếu nguồn cung.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất