Chỉ trong vài ngày, gần 20 ngôi nhà xây dựng trái phép mọc lên trong chỉ giới đường cao tốc Bắc Nam, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa nhằm trục lợi chính sách đền bù giải tỏa
Mặc dù Quốc hội mới chỉ quyết nghị về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và chính quyền huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng mới thông báo sơ bộ những hộ sẽ bị ảnh hưởng khi đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, thế nhưng hàng loạt hộ dân ở xã Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia) đã ồ ạt xây dựng nhà, công trình kiến trúc trái phép trong chỉ giới đường cao tốc nhằm trục lợi chính sách.
Nhà mọc như nấm
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Thanh Tân, xã Phú Lâm, chứng kiến một loạt ngôi nhà vừa mới xây xong hoặc đang xây dựng dở dang, nằm sát con đường bê tông của thôn. Hầu hết những ngôi nhà này được xây dựng rất đơn sơ, làm tường gạch và dựng khung lợp tôn vây quanh diện tích đất rất lớn. Nhiều nhà xây xong nhưng bên trong nền đất vẫn chưa được san lấp, cây trồng vẫn chưa đốn hạ.
Tại các thôn Hợp Nhất, Văn Sơn của xã Phú Lâm cũng xảy ra tình trạng tương tự. Không chỉ xây mới, nhiều hộ gia đình tại đây còn cơi nới diện tích nhà, chồng thêm tầng… Dọc các con đường dẫn vào các thôn này, xe chở vật liệu cát đá, xi măng, sắt thép ra vào liên tục. Theo phản ánh, hầu hết các công trình này được xây dựng chỉ trong vài ngày và đa số xây dựng vào ban đêm để qua mắt lực lượng chức năng với mục đích chiếm đất, chờ dự án triển khai để được đền bù.
Nhiều công trình xây dựng trái phép trong chỉ giới đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, xác nhận tất cả các công trình cơi nới, xây mới của người dân 3 thôn trên đều nằm trong chỉ giới đường cao tốc Bắc - Nam. "Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện đã có 18 ngôi nhà xây dựng trái phép trong vùng ảnh hưởng của dự án, tình trạng này chỉ mới diễn ra chưa đến 1 tuần này khiến chúng tôi bất ngờ, không kịp trở tay. Có nhà ngày hôm trước chúng tôi lập biên bản đình chỉ mới đang xây tường nhưng sáng hôm sau quay lại ngôi nhà đã được xây xong. Dọc tuyến đường của thôn Thanh Tân, chỉ trong vài ngày nhà trái phép đã mọc kín như đại công trường" - ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong tháng 2 vừa qua, xã có thông báo về việc làm đường cao tốc đi qua địa bàn xã. Mặc dù đây mới chỉ là chủ trương, chưa có quyết định thu hồi đất, đền bù giải tỏa gì cả nhưng hầu hết các hộ có trong danh sách dự kiến bị ảnh hưởng đã ồ ạt xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép.
Sẽ xử lý dứt điểm
Theo tìm hiểu, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua huyện Tĩnh Gia dài 21 km, đi qua các xã Phú Sơn, Phú Lâm, Tân Trường, Trường Lâm. Số hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng là 417 hộ. Hiện UBND huyện Tĩnh Gia mới triển khai cắm tim đường, chưa có mốc lộ giới và chưa có các quyết định hay phương án thu hồi đất. Tại xã Phú Lâm có 180 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 87 hộ thuộc diện tái định cư.
Về biện pháp xử lý, ông Nam cho biết chính quyền xã đã lập biên bản vi phạm của 18 hộ gia đình và đã báo cáo về UBND huyện Tĩnh Gia để có hướng xử lý. Với những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, xã sẽ vận động người dân tự nguyện tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Còn những hộ xây dựng, cơi nới nhà cửa trên đất có sổ đỏ, xã phối hợp với đội quy tắc của xã lập biên bản đình chỉ, báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, khẳng định đã giao cho đội quy tắc của huyện phối hợp với UBND xã Phú Lâm lập biên bản, xử lý vi phạm. "Tôi đã chỉ đạo việc này và huyện kiên quyết xử lý dứt điểm" - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ giao cọc tim chứ chưa bàn giao cọc giải phóng mặt bằng.
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Theo Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào ngày 22-11-2017, dự án đường cao tốc Bắc - Nam xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài 654 km, với các địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư sơ bộ là 118.716 tỉ đồng, trong đó 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước, 63.716 tỉ đồng huy động ngoài ngân sách.
Tại Thanh Hóa, tuyến đường đi qua nhiều huyện như Hà Trung, Đông Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia… và nằm trong 2 dự án thành phần từ Mai Sơn đi Quốc lộ 45 và từ Quốc lộ 45 đi Nghi Sơn, có tổng chiều dài 106 km; tổng mức đầu tư trên 22.000 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công - tư.
|
theo CafeLand