Tình trạng nhà đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, nhiều công trình xây dựng che lấp không gian chung dù bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng không được xử lý rốt ráo nên "nhờn thuốc"... đã khiến kỷ cương phép nước bị xâm hại, cần sớm được sự vào cuộc của các cơ quan công quyền.
Dùng chiêu mạnh được, các doanh nghiệp đã ngăn cản PTC sử dụng đúng mục đích 1.182m2 đất tại số 462 - 464 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: TD
"Chân lí thuộc về kẻ mạnh"?
Nhiều năm qua, khu đất vàng có diện tích 1.182m2 tại số 462 – 464 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP Hồ Chí Minh, vẫn chưa được sử dụng đúng mục đích. Lý do là một số doanh nghiệp đã dùng chiêu thức “mạnh được, yếu thua” để ngăn cản Liên hiệp Khoa học Công nghệ và Sản xuất (PTC), là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thực hiện đúng phương án sử dụng nhà đất đã được phê duyệt.
Về nguồn gốc, cơ sở nhà đất số 462 – 464 đường Nguyễn Thị Minh Khai là tài sản hợp pháp của PTC. Năm 1994, thực hiện đúng quy định pháp luật, PTC đã hợp tác cùng Cty Artkins thành lập liên doanh PTC-Artkins để đầu tư thực hiện Dự án cao ốc văn phòng tại cơ sở nhà đất này. Đại diện PTC đã chủ động góp đủ vốn pháp định theo văn bản ký kết, cũng như hoàn thành các trách nhiệm pháp lý có liên quan. Vì Cty Artkins không thực hiện đúng các điều khoản của liên doanh nên Dự án đã chậm tiến độ 10 năm theo giấy phép đầu tư.
Thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, PTC đã có nhiều văn bản đề nghị đối tác tuân thủ nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên doanh khi cơ quan chức năng có quyết định không gia hạn Dự án, cũng như kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết tất cả thủ tục hành chính có liên quan đúng thẩm quyền.
Thế nhưng, đại diện Cty Artkins lại đơn phương chuyển nhượng phần vốn góp cho một số doanh nghiệp khác. Dù hành vi chuyển nhượng vốn không đúng pháp luật nhưng hai doanh nghiệp tư nhân là Cty TNHH Tân Thành, Cty Cổ phần Nam Khánh, đã cho nhân viên kết hợpcùng một số đối tượng là "xã hội đen" đánh đuổi cán bộ, nhân viên, xâm phạm quyền sử dụng hợp pháp của PTC đối với cơ sở nhà đất này. Từ năm 2008 đến nay, hai công ty này đã chiếm dụng trái pháp luật cơ sở nhà đất của PTC, sử dụng sai mục đích, gây mất an ninh trật tự của địa phương.
Nhiều diện tích đất quốc phòng tại Phú Quốc bị sử dụng sai mục đích, không tuân thủ đúng kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, của UBND tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TD
Những hành vi sai phạm này đã được Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ… làm rõ, và kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định xử phạt hành chính, sau đó là tổ chức cưỡng chế để bàn giao nhà đất số cho PTC. Nhưng đến thời điểm này các chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, cũng như kế hoạch cưỡng chế của UBND quận 3 vẫn chưa được thực hiện xong.
Ngay cả khi Thường trực Chính phủ đã có nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm vụ việc, còn PTC vẫn phải đi thuê trụ sở tạm để hoạt động để chờ kết quả giải quyết đúng pháp luật, thì một doanh nghiệp thứ ba là Cty Cổ phần Tân Thành Mỹ lại đột nhiên xuất hiện trong khuôn viên khu đất, điều này đã gây nên sự bức xúc lớn trong đội ngũ trí thức và các nhà khoa học của PTC.
Một điều lạ lùng khác là hai cái tên: Cty TNHH Tân Thành, Cty Cổ phần Nam Khánh cũng được cử tri tỉnh Khánh Hòa nhiều lần chất vấn các cơ quan dân cử. Lý do là khu đất quân sự giáp đường Trần Phú được Trường sỹ quan không quân Nha Trang bàn giao cho địa phương quản lý nhưng lại bị hai công ty này chiếm dụng để xây dựng trái phép các hạng mục nhà xưởng. Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Thông báo Kết luận số 256/TB-UBND về việc xử lý sai phạm và tiến hành cưỡng chế các hạng mục xây dựng của hai công ty này nhưng đến nay kết quả xử lý vẫn là… con số không tròn trĩnh.
Từ năm 2003 đến thời điểm hiện nay, sai phạm của nhiều cán bộ liên quan đến việc chia cấp đất cho 234 hộ, với tổng diện tích hơn 694.000m2 đất rừng tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, vẫn chưa được công khai cho nhân dân.
Hệ quả là Bộ Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc là đơn vị được giao quản lý đất, phải loay hoay xử lý tình trạng phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép, mà điểm nóng là trường hợp bà Tống Kim Ngọc đã lấn chiếm hơn 84.000m2, và tự ý xây dựng công trình kiên cố trên phần đất này, cũng như được lọt vào danh sách nhận tiền bồi thường tuyến đường Hàm Ninh - An Thới. Điều đáng lo là nhiều hộ dân khác đã lấy lý do sai phạm của bà Ngọc không bị xử lý, để tự ý bao chiếm lại đất cũ, tự ý xây dựng nhà kiên cố, tạo ra điểm nóng về tranh chấp đất, tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại vượt cấp.
Muốn tắm biển phải… mua phiếu
Hiện tượng cố tình chiếm dụng nhà đất công đang là vấn đề nóng, kéo dài hàng chục năm nay tại tuyến đường Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phần lớn diện tích đất đang bị sử dụng sai mục đích là đất quốc phòng do cơ quan chức năng không tuân thủ đúng kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương và kết luận của UBND tỉnh Kiên Giang.
Hậu quả là, nhiều đơn vị đã cho xây dựng nhà hàng kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng trên đất quốc phòng, sau đó cho thuê lại sai quy định, làm méo mó quy hoạch đô thị, che lấp không gian biển, gây ô nhiễm môi trường biển. Và, điều đáng nói là, nhiều khu đất tại đây đã được hợp thức hóa cho tư nhân xây dựng khách sạn, lấn chiếm toàn bộ không gian biển, hành lang bảo vệ bờ biển, che lấp toàn bộ đường xuống biển của nhân dân và khách du lịch.
Khu đất số 82 Trần Hưng Đạo là dòng suối tự nhiên, cũng là đường xuống biển của nhân dân nhưng đã bị san lấp, cấp giấy chứng nhận cho một cá nhân. Trong khi Thanh tra huyện Phú Quốc đang làm rõ sai phạm của việc cấp sổ đỏ cho khu đất này thì khách du lịch lưu trú tại các cơ sở phía bên kia đường nếu muốn xuống biển buộc phải xuất trình phiếu đóng dấu đỏ của cơ sở tư nhân đang thuê lại đất tại số 82 thì mới được phép đi xuống biển. Hàng năm, số tiền bán đường đi tắm biển qua khu đất mà hộ kinh doanh cá thể này thu được nhẩm tính sơ qua cũng gần cả tỷ đồng.
Điều này cũng được hàng loạt cơ sở khách sạn được xây dựng tại phía bờ biển học theo với nhiều cách tinh vi hơn. Như trường hợp khách sạn Thiên Hải Sơn, là cơ sở dịch vụ kinh tế có thu của Công ty 622, thuộc Quân khu 9, lại có bảng thông báo chỉ cho khách sử dụng dịch vụ của đơn vị mình mới có đường xuống biển, nếu không thì quay lui đường khác.
Trong khi đó, các con đường còn lại để khách du lịch xuống biển thì quá ít, cả một bờ biển từ Dinh Cậu đến cầu Cửa Lấp chỉ có 4 đường xuống biển, nhưng hầu hết những con đường này đều dẫn xuống các bãi biển có nhiều đá ngầm, không thể tắm được.
Bờ biển từ Dinh Cậu đến cầu Cửa Lấp, chỉ có 4 đường xuống biển nên nhiều khách du lịch muốn tắm biển phải mua… phiếu. Ảnh: TD
Vấn đề đáng nói là phần lớn diện tích đất mà các đơn vị này đang khai thác để làm khách sạn, nhà nghỉ phía bờ biển đường Trần Hưng Đạo đều là có nguồn gốc của Nhà nước quản lý, đất quân đội đã được kết luận là có sai phạm từ những năm 1998. Hay nói cách khác, đây là vấn đề cần có giải pháp xử lý một cách rốt ráo nhằm bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân đã được pháp luật quy định.
Xoá bỏ tình trạng cát cứ, độc quyền khai thác bờ biển đang hiện hữu từng ngày nơi đảo ngọc. Đó cũng là mong ước của những khách du lịch bình dân mỗi lần đến đảo Phú Quốc. Bởi một lẽ là, hòn đảo xinh đẹp này, với những bãi biển đẹp như mơ, không chỉ của riêng Kiên Giang hay của riêng tổ chức, doanh nghiệp nào mà nó phải là tài sản chung mà nhân dân cả nước phải được thụ hưởng.
Đây cũng là định hướng quy hoạch đô thị huyện Phú Quốc, được UBND tỉnh Kiên Giang công bố đầu tháng 9/2018. Với ý tưởng sẽ có hai con đường ven biển chạy dọc bờ biển của thị trấn Dương Đông, chiều rộng của đường sẽ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là từ mép triều trung bình kéo về phía đất liền 100m.
Khi đó hàng loạt công trình nhà hàng, khách sạn đang tồn tại trên phần đất công, đất quân sự, che lấp không gian biển… sẽ bị tháo dỡ để bờ biển trở về với cộng đồng. Giải pháp này là khả thi vì mục tiêu chung khi phần lớn các công trình xây dựng đều không có giấy phép được cấp đúng quy định, hầu hết diện tích đất là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi thành đất chuyên dùng.
theo CafeLand