Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất về nội dung, trong đó đề xuất Đà Nẵng là 1 trong 10 tỉnh thành được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động ban đêm và là 1 trong 3 thành phố được ưu tiên đầu tư xây dựng Khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt,...
Vậy Đà Nẵng cần có giải pháp gì để phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian đến?
Kinh tế ban đêm là gì?
Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ký Báo cáo số 180/BC- UBND về giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện lên thật lộng lẫy mỗi khi đêm về Ảnh: Nguyễn Trung
Báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất về nội dung theo Công văn số 4311/VPCP – KTTH ngày 30/5/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Theo Đề án, kinh tế ban đêm được xác định theo nghĩa hẹp là tập hợp các hoạt động kinh tế - văn hóa diễn ra từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau và chủ yếu bao gồm các hoạt động mang tính giải trí, phạm vi tập trung vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch ( tham quan ).
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, kinh tế ban đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu về du lịch. Một nghiên cứu của Emst & Young ( E & Y ), kinh tế ban đêm đóng góp 6% GDP của nước Anh với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh hằng năm, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Nền kinh tế ban đêm mang lại 136 tỷ USD cho Australia vào năm 2018 và ước tính đạt quy mô 400 tỷ Yên tại Nhật Bản năm 2020.
Cũng theo Đề án, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. HCM, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động ban đêm. Trong đó, 3 thành phố được ưu tiên đầu tư xây dựng Khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt là Đà Nẵng, TP. HCM và Hà Nội.
UBND TP. Đà Nẵng xác định đã xác định rõ thực trạng phát triển kinh tế ban đêm, qua đó vạch ra những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố.
Cụ thể, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi sở hữu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, phát triển; môi trường an ninh, an toàn, người dân Đà Nẵng thân thiện, mến khách; Du lịch Đà Nẵng đang trên đà phát triển mạnh,...
Đà Nẵng Quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm
Từ việc xác định những khó khăn, vướng mắc về phát triển kinh tế ban đêm, Đà Nẵng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc phát triển kinh tế ban đêm như, định hướng phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố; quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm; nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm.
Cầu Sông Hàn về đêm dưới góc chụp của Nhiếp ảnh gia Ảnh: Nguyễn Trung
Theo đó, Đà Nẵng xác định giải pháp về quy hoạch gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021 – 2023, thí điểm chọn dịch vụ sẵn có tại 4 khu vực gồm, Phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và một số vị trí phù hợp trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Quy hoạch giai đoạn 2 dự kiến từ năm 2023 – 2025, dự kiến xác định một số khu vực trọng điểm để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm gồm, phố du lịch An thượng mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – Câu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; Khu du lịch Bà Nà, Khu du lịch Làng Vân; một số khu vực riêng biệt phía Tây thành phố.
Bên cạnh đó, lập quy hoạch 1/500 và triển khai kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ, tạo thành điểm đến tham quan, ngắm cảnh độc đáo đối với 2 tuyến đường đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành.
Tổ chức lập quy hoạch phân khu trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 . Trong đó, ưu tiên lựa chọn, quy hoạch cụ thể các cụm/ khu vực trọng điểm, riêng biệt phát triển kinh tế ban đêm để kêu gọi đầu tư hình thành các Khu tổ hợp giải trí ban đêm quy mô, đặc sắc, đạt tiêu chuẩn quốc tế,...
theo CafeLand