Trong số 124 dự án bất động sản đang bị vướng mắc về pháp lý tại TPHCM hiện còn 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, phần lớn các dự án đã hoàn tất thủ tục để triển khai tiếp.
Thông tin này được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM báo cáo lãnh đạo TPHCM tại buổi họp giao ban về tình hình kinh tế, xã hội TPHCM quí 3 diễn ra ngày 22-10.
Đề cập đến tiến độ giải quyết 124 dự án bất động sản đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, ông Thắng cho biết, tính đến tháng 10-2109, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục; 12 dự án đã được cấp phép xây dựng; 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư; 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và làm các thủ tục liên quan, một số dự án còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Tại cuộc họp, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch những vấn đền nào thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố các sở, ngành kịp thời báo cáo thành phố để tháo gỡ vướng mắc, không để tình trạng trì trệ.
“Khi làm dự án doanh nghiệp cũng phải vay ngân hàng, dự án chậm ngày nào doanh nghiệp phải chịu lãi ngày đó. Nếu không giải quyết để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh”, ông Phong nói.
Liên quan đến ảnh hưởng của 124 dự án bất động sản đang tạm dừng triển khai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, việc tạm dừng 124 dự án khiến doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.
Khi các dự án được tháo gỡ để triển khai tiếp thị trường sẽ có thêm nguồn cung, người dân mua được nhà và điều quan trọng nhất là có nhiều nguồn cung thì giá mới giảm, người dân mới được lợi.
Bên cạnh việc tháo gỡ cho 124 dự án, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng thông tin thêm rằng cơ quan này đã trình 32 dự án được phép chuyển đổi từ đất lúa sang đất dịch vụ và đang lập thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông cho biết các dự án thường chậm ở khâu xác định giá, thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng. “Nếu trước đây làm dự án theo trình tự gửi ra các bộ, ngành Trung ương thì mất khoảng 2 năm , bây giờ Chính phủ đồng ý phân cấp cho TPHCM thì thủ tục chỉ mất khoảng 6 tháng” ông Thắng nói tại cuộc họp ngày 22-10.
Trước đó, vào tháng 7-2019, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã biểu quyết đồng ý cho người dân ở 11 quận, huyện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất dịch vụ với tổng diện tích khoảng 1.017 héc ta. Trong đó nhiều nhất là tại Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh.
Kinh tế TPHCM tính đến hết tháng 9-2019 mới chỉ đạt 7,8 %, ba tháng còn lại kinh tế thành phố phải đạt tốc độ tăng trưởng hơn 9% thì mới đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm là từ 8,3 - 8,5 %.
Tại cuộc họp Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra lo ngại trước tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 9 tháng. Trong đó, ngành công nghiệp của thành phố tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do mảng xây dựng giảm nên kéo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm theo. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm đã tác động đến tốc độ tăng chung của kinh tế TPHCM.
Theo ông Phong tính đến hết tháng 9-2019 tốc độ tăng trưởng của thành phố chỉ đạt 7,8%, vì thế ba tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng hơn 9% thì mới đạt được chỉ tiêu từ 8,3 - 8,5% đã đề ra từ đầu năm. Ông Phong nhận định đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Vì thế, các sở ngành phải tập trung các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
|
theo CafeLand