Hà Nội: Hơn 1.000 căn hộ tái định cư bị “bỏ trống”

Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, hiện có hơn 1.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ trống… Trong khi đó, để phục vụ việc thi công các công trình trọng điểm, dự án công ích, nhu cầu bố trí căn hộ tái định cư trên địa bàn là rất lớn. Vậy tại sao lại tồn tại nghịch lý này và đâu là giải pháp để tránh tình trạng lãng phí?

Quận Cầu Giấy còn nhiều căn hộ chung cư tái định cư chưa có người đến sinh sống. Ảnh: Thái Hiền

Cụ thể tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, có 724 căn hộ đã bố trí tái định cư phục vụ dự án giải phóng mặt bằng theo quyết định của UBND thành phố, nhưng người dân chưa đến làm thủ tục nhận nhà ở. Trong số này, có nhiều căn hộ mặc dù đã có người đến ở, nhưng lại chưa làm các thủ tục ký hợp đồng. Việc tìm, liên lạc với những hộ dân nhận nhà tái định cư không dễ vì sau giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không biết địa chỉ cụ thể những hộ này ở đâu. Ngoài ra, có 376 căn hộ trống chưa bố trí tái định cư để dự trữ cho dự án đang giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Đắc Thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị - Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 28-3-2018 có 918 căn hộ tái định cư đã có người nhận nhưng chưa đến ở. Trong đó, có 808 căn hộ đã có quyết định, thông báo, nhưng người dân chưa làm thủ tục mua nhà, chưa nộp tiền và chưa nhận nhà tái định cư; số còn lại đã được bố trí tái định cư cho các dự án khác trên địa bàn thành phố. Hiện, việc quản lý căn hộ tại các chung cư tái định cư được Sở Xây dựng Hà Nội giao cho 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (447 căn) và Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng (361 căn). Được biết, trong số 918 căn hộ chung cư tái định cư chưa có người đến làm thủ tục chủ yếu thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Hoàng Mai.

Vì sao lại có một lượng lớn nhà tái định cư còn trống như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đắc Thảo cho biết, nguyên nhân khiến các hộ dân chậm làm thủ tục ký hợp đồng mua nhà là do họ chưa có nhu cầu ở thực sự; thêm nữa, giữa các thành viên trong gia đình chưa thống nhất được việc ai là người đứng tên trong hợp đồng (liên quan đến việc sở hữu, thừa kế tài sản).

Trước tình trạng trên, có ý kiến cho rằng, quá thời hạn 2 năm mà các hộ dân không đến nhận, thành phố nên thu lại để bố trí cho dự án giải phóng mặt bằng khác có nhu cầu. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, rõ ràng là nếu "nút thắt" này không được giải quyết, tình trạng căn hộ tái định cư không người ở dù đã được giao sẽ tiếp tục tái diễn và gây lãng phí lớn ngân sách thành phố.

Giải pháp cho vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, cách tốt nhất hiện nay là chính quyền, ban giải phóng mặt bằng các địa phương, chủ đầu tư đẩy mạnh việc thông báo, tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng làm thủ tục nhận nhà ở, tránh tình trạng để nhà trống. Theo quy định, việc bố trí tái định cư cho các dự án đang triển khai trên địa bàn cho phép các hộ dân nhận hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền (Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 8-11-2016 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt mức hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền đối với trường hợp được bố trí nhà tái định cư). Do vậy, nếu người dân không còn nhu cầu sử dụng, Sở Xây dựng thu hồi để báo cáo UBND thành phố bố trí cho các dự án khác khi có nhu cầu sử dụng nhà tái định cư. “Riêng năm 2017, chúng tôi đã thu hồi 41 căn đã bố trí tái định cư nhưng người dân chọn nhận tiền bồi thường theo quy định và trả lại do không có nhu cầu ở” - ông Nguyễn Đắc Thảo cho biết. Vì vậy, với những trường hợp hộ gia đình không có nhu cầu về nhà ở, có thể nhận tiền và trả lại căn hộ.
 
TP Hà Nội đã đề nghị thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, đến năm 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư phục vụ tái định cư, song với cơ chế sử dụng ngân sách đầu tư mới chỉ đáp ứng khoảng 4.500 căn hộ. Như vậy, còn thiếu khoảng 17.600 căn hộ, với số vốn đầu tư khoảng 18.514 tỷ đồng. 

Theo cơ chế đặt hàng, thành phố tạo quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án. Nhà đầu tư sẽ tham gia quản lý, vận hành, bảo trì công trình, được hưởng tỷ lệ lợi nhuận định mức... Thành phố ký hợp đồng đặt hàng nhà đầu tư; nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà, thu tiền người mua nhà. Cơ chế đặt hàng cũng được kỳ vọng giải quyết tình trạng chậm tiến độ đầu tư nhà ở tái định cư; khắc phục tình trạng chất lượng nhà thấp và việc phải sử dụng ngân sách bù lỗ cho quản lý, vận hành chung cư.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất