Quá trình thực hiện Luật Xây dựng 2014 tồn tại một số vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện như việc ban hành một số Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng chậm so với thời gian có hiệu lực của Luật.
Việc tổ chức thực hiện luật trong thời gian đầu còn lúng túng, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất ở một số địa phương.
Đây là những vấn đề phát sinh trong thực tế được nêu lên tại Hội thảo lấy ý kiến dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Xây dựng do Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua gồm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Một trong những mục tiêu quan trọng là cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội cho biết, 3 nhóm vấn đề mà Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 tập trung làm rõ là đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Xây dựng với các luật liên quan, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tạo điều kiện đầu tư kinh doanh thông thoáng, đơn giản cho doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, cần thiết phải tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng với quy trình thẩm định thiết kế xây dựng để rút ngắn thời gian, bổ sung các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Đề nghị Luật Xây dựng quy định chặt chẽ quy trình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kể cả quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng cấp tỉnh, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị.
Trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đề nghị không lệ thuộc vào ranh giới hành chính của các địa phương.
“Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhất là trong trường hợp xem xét yêu cầu điều chỉnh quy hoạch của nhà đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên, thì chủ đầu tư có nghĩa vụ thực hiện nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Còn theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch Công ty đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) kiến nghị các Uỷ ban liên quan của Quốc hội cần có sự thẩm định dự án luật mang tầm nhìn cao, tránh tình trạng các Bộ trình các dự án luật có tính chất cục bộ dẫn tới khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, “đụng luật này vướng luật nọ”.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần kinh doanh Địa ốc Him Lam kiến nghị Luật Xây dựng không nên quy định bắt buộc mà nên khuyến cáo, khuyến nghị chủ đầu tư sử dụng công nghệ xây dựng, vật liệu sử dụng không nung vì thực tế thi công xây dựng đã xảy ra tình trạng nứt, thấm vật liệu, không bảo đảm kỹ thuật dự án, nhất là những dự án cao tầng...
theo CafeLand