Chiều 15.6, tại trụ sở Ban tiếp công dân TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tiếp các hộ dân khiếu kiện, tố cáo liên quan đến dự án Khu công nghệ cao (KCNC) TP ở Q.9 kéo dài nhiều năm nay.
Ông Lương Văn Sinh (đứng) trình bày những yêu cầu của người dân với Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến
ẢNH: TRUNG HIẾU
Trước ông Tuyến, vào ngày 14.3.2016, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cùng đại diện Thanh tra Chính phủ cũng có buổi làm việc với các hộ dân. Tháng 9.2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có công văn 370 đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số sai phạm trong quá trình thực hiện dự án nhưng các hộ dân không đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Từ đó đến nay các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, tố cáo đến các cơ quan T.Ư. Mới đây trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM xác định đây là một trong 12 vụ khiếu kiện, tố cáo phức tạp, kéo dài và tập trung đông người cần giải quyết ở TP.HCM.
Nhiều người dân phải chạy xe ôm, bán vé số để theo đuổi khiếu nại
Tại buổi làm việc, ông Lương Văn Sinh (cư trú tại phòng H1 ở khu tạm cư dành cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu công nghệ cao nằm trên đường Tăng Nhơn Phú, Q.9) cho biết thêm việc thu hồi, cưỡng chế nhà đất đã khiến nhiều người dân mất nhà, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Nhiều người dân thất nghiệp, sau giải tỏa phải chạy xe ôm, bán vé số để theo đuổi khiếu nại, tố cáo.
Bản thân ông Sinh bị thu hồi hơn 1.000 m2 đất và hiện không có nơi tạm cư, phải “ăn nhờ ở đậu” tại căn phòng tạm cư của một hộ dân cũng trong diện giải tỏa. “Một cơn đại hồng thủy đến thì sau đó người dân vẫn còn đất để lập nghiệp nhưng quyết định thu hồi đất sai luật khiến người dân mất tất cả. Giờ chỉ mong lãnh đạo TP.HCM giải quyết để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống. Nếu được như thế thì chúng tôi cảm ơn vô cùng”, ông Sinh bày tỏ.
Ông Phạm Anh Hùng (cư trúlô I03, cư xá Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), đại diện cho các hộ dân, khẳng định hơn 14 năm qua các hộ dân có mặt tại đây khiếu kiện vì cho rằng việc thu hồi đất là trái pháp luật. Từ đó ông Hùng yêu cầu cơ quan chức năng phải công khai bản đồ quy hoạch Khu công nghệ cao đã được Thủ tướng phê duyệt từ đó làm cơ sở để UBND TP.HCM lập ra bản đồ quy hoạch cũng như ra quyết quyết định thu hồi đất.
Đồng thời UBND TP.HCM phải công khai việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân cũng như công khai xử lý những cá nhân sai phạm liên quan dự án như kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.
Báo cáo xử lý cơ quan, cá nhân sai phạm chậm nhất vào ngày 30.6
Yêu cầu công khai bản đồ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt làm nóng buổi tiếp xúc vì người dân cho rằng cơ quan chức năng khi quy hoạch lẫn thu hồi đất đã không sử dụng đúng bản đồ mà Thủ tướng phê duyệt.
Ông Trần Vĩnh Tuyến (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân
ẢNH: TRUNG HIẾU
Trả lời yêu cầu này, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), cho biết việc quy hoạch Khu công nghệ cao đã được thực hiện theo đúng chỉ đạo, quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt. Việc công khai bản đồ đã được thực hiện ở Q.9 nhưng người dân lại không đồng ý với tấm bản đồ này. Họ cho rằng tấm bản đồ công khai không phải tấm bản đồ mà Thủ tướng phê duyệt.
Chất vấn ông Toàn, ông Lương Văn Sinh cho hay tấm bản đồ mà Sở QH-KT công khai ngày 28.9.2017 được ký năm 2008 nhưng việc thu hồi đất diễn ra từ năm 2002. “Vậy từ năm 2002 đến năm 2008 việc thu hồi đất của người dân dựa theo cơ sở pháp lý nào?”, ông Sinh hỏi.
Ông Toàn đáp tấm bản đồ công khai ngày 28.9.2017 là tấm bản đồ tiếp tục thực hiện quy hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trước đó dự án này đã có bản đồ quy hoạch. Tuy nhiên câu trả lời này không được các hộ dân đồng tình.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định ngày 17.8.2017, Văn phòng Chính phủ có công văn 370 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra một số sai sót liên quan đến dự án. Sau kết luận của Phó thủ tướng, UBND TP.HCM đã có 10 văn bản chỉ đạo giải quyết, thực hiện kết luận của Phó thủ tướng nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chậm.
Hiện ý kiến của người dân tập trung vào vấn đề bản đồ quy hoạch và pháp lý khi thu hồi đất. Về việc này, ông Tuyến giao sau buổi làm việc này, Sở QH-KT có 10 ngày rà soát lại tất cả quy trình liên quan đến quy hoạch báo cáo trực tiếp với ông Tuyến. Sau đó UBND TP.HCM cùng với sở ngành có 7 ngày để ra dự thảo kết luận để sau đó đối thoại trực tiếp với người dân.
UBND Q.9 phải ra soát lại những trường hợp tạm cư để có hướng giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, không để xảy ra tình trạng người dân bị thu hồi đất nhưng không có nhà, phải sống vất vưởng, khổ sở. Chậm nhất 30.6, sở ngành phải có báo cáo xử lý những cơ quan, cán bộ sai phạm mà kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Ông Tuyến khẳng định UBND TP.HCM sẽ theo dõi sát sao vụ việc, tìm ra nguyên nhân, trên tinh thần đối thoại với người dân. Nếu sai sẽ nhận và sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
theo CafeLand