Alomuabannhadat - Trong lúc thông tin về một “ông lớn” trong làng địa ốc kêu cứu chưa kịp lắng xuống thì mới đây một doanh nghiệp khác cũng ở phía nam là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh đã gởi đơn kêu cứu về những ách tắc khiến công ty không thể thực hiện dự án thời gian vừa qua.
Dự án khu dân cư Hoà Lân tọa lạc trên mặt tiền quốc lộ 13 đoạn đi qua phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trong đơn, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh, cho biết công ty đã trúng đấu giá và thanh toán hơn 1.500 tỉ đồng ở dự án khu dân cư Hòa Lân. Nhưng gần ba năm qua, công ty không thể triển khai dự án.
Sự việc bắt đầu từ năm 2010 khi Công ty Thiên Phú (chủ đầu tư của dự án Hòa Lân) vay 305 tỉ đồng và gần 19.000 lượng vàng của Ngân hàng Agribank Chợ Lớn. Để đảm bảo cho các khoản vay, Thiên Phú đã thế chấp dự án khu dân cư Hòa Lân với diện tích gần 500.000m2.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính nên công ty vào ngày 17/4/2015 đã ký biên bản thoả thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.
Tháng 6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (trụ sở ở quận 7, TP.HCM) bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua 12 phiên đấu giá kéo dài gần hai năm, việc đấu giá mới thành công khi Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá 1.353 tỉ đồng.
Ngay sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đã thực hiện thủ tục đăng ký làm chủ đầu tư dự án với chính quyền địa phương nhưng luôn bị từ chối vì nhiều lý do.
Lý do thứ nhất là quy hoạch của khu đất dự án là 55,6ha nhưng Công ty Kim Oanh chỉ trúng đấu giá 49ha nên không đủ điều kiện đăng ký làm chủ đầu tư. Chính quyền địa phương yêu cầu Công ty Kim Oanh phải đền bù hết diện tích đất “da beo” và đất giao thông công cộng còn lại để đủ 55,6ha mới cho phép đăng ký chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh cho rằng, đúng ra địa phương phải cho chủ trương đầu tư dự án thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tiến hành đền bù giải phòng mặt bằng.
Lý do thứ hai, Công ty Kim Oanh chưa thanh toán đủ tiền trúng đấu giá cho Agribank (trong khi Agribank có văn bản bảo đảm và đề nghị chính quyền địa phương cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư vì đây là điều kiện thanh toán trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá).
Trong đơn cầu cứu, Công ty Kim Oanh cho biết đã thanh toán tổng số tiền mua tài sản đấu giá là 1.353 tỉ đồng vào tháng 3/2019 và tổng số tiền lãi do giãn tiến độ thanh toán là hơn 97 tỉ đồng vào tháng 5/2019 cho ngân hàng. Ngoài ra, công ty đã chi tiền bồi thường cho các hộ dân theo suất tái định cư, tiền mua đất “da beo” của các hộ dân nằm trong ranh dự án với số tiền gần 48 tỉ đồng.
“Công ty Thiên Phú là bên thế chấp tài sản cho ngân hàng vay vốn từ năm 2013 nhưng gần đây công ty này đã lợi dụng các lý do không chính đáng và không có cơ sở để tiến hành các vụ khiếu kiện nhằm gây khó khăn cho Công ty Kim Oanh”, văn bản có đoạn nêu.
Ngoài ra, trong đơn Công ty Kim Oanh còn tố cáo thẩm phán của Tòa án nhân dân Quận 7 có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, khi thụ lý giải quyết vụ việc sai thẩm quyền, ra quyết định trái luật nhằm can thiệp vào các hoạt động xử lý nợ xấu thông qua đấu giá đối với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng ngay tình.
“Gần ba năm qua, công ty phải tự lực, vượt qua khó khăn, và phải gánh chịu các chi phí thiệt hại nghiêm trọng đối với dự án Hòa Lân sau khi tham gia mua đấu giá và thanh toán hơn 1.500 tỉ đồng cho Agribank. Nhưng dự án lại bị đóng băng bởi một vụ kiện do Tòa án nhân dân Quận 7 TPHCM thụ lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp rơi vào bế tắc”, bà Oanh cho biết.
Doanh nghiệp này đề nghị tòa án nhân dân tối cao xem xét rút hồ sơ vụ án liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân nói trên để nghiên cứu, xem xét toàn diện những kiến nghị của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, Công ty Kim Oanh cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tháo gỡ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án nhân dân 1uận 7 đã ban hành đối với dự án Hòa Lân để cứu giúp công ty thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị Bộ Công an nhanh chóng điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhằm mục đích chống phá, triệt hạ hệ thống doanh nghiệp này.
theo CafeLand