Khi mua nhà chung cư ai cũng háo hức đến ngày nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng sẽ bỡ ngỡ và dễ mắc sai sót.
Dạo quanh một vòng các diễn đàn chung cư, bạn sẽ thu về không ít lời khuyên hữu ích từ chính các cư dân và các đơn vị thi công nội thất khi nhận bàn giao nhà.
Chuẩn bị từ thước đo, bút thử điện…
Trao đổi với VOV.VN, Kiến trúc sư (KTS) Trần Dũng (Hội KTS Hà Nội) cho biết, khi đi nhận nhà, chủ căn hộ cần mang theo nhiều vật dụng để kiểm tra toàn bộ các bộ phận như hệ thống điện, hệ thống thoát nước, bộ phận báo cháy, các lỗi thiết kế… Chủ căn hộ nên chuẩn bị xô nhỏ để kiểm tra lỗ thoát nước trên sàn nhà và ban công. Sử dụng bút thử điện hoặc đèn ngủ nhỏ để kiểm tra các ổ cắm. Mang theo thước nhôm thẳng để đo lại diện tích và kiểm tra độ phẳng của tường và các sai lệch trong khâu thiết kế. Thậm chí là chuẩn bị một bao diêm và một nồi nhỏ để kiểm tra hoạt động của các vật dụng được chủ đầu tư lắp sẵn…
Khi đi nhận nhà, chủ căn hộ cần mang theo nhiều vật dụng để kiểm tra toàn bộ các bộ phận như hệ thống điện, hệ thống thoát nước, bộ phận báo cháy, các lỗi thiết kế.
Theo KTS Trần Dũng, với những căn hộ đã có sẵn điều hoà của chủ đầu tư, việc bật điều hoà sẽ là bước đầu tiên cần làm khi bạn nhận bàn giao nhà.
“Với các thiết bị điện, viễn thông, cần kiểm tra cẩn thận các ổ cắm điện xem đã có nguồn điện chưa. Hoặc dùng bút thử kiểm tra rò điện. Ngoài ra, chủ nhà cũng nên kiểm tra số lượng các ổ cắm điện và có thể yêu cầu bố trí lại chúng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình”, KTS Dũng đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, chủ căn hộ cần kiểm tra hoạt động của toàn bộ hệ thống đèn trong nhà, kiểm tra các bóng có hoạt động tốt hay có bị nứt vỡ. Cách kiểm tra quạt gió vệ sinh, máy hút mùi là đốt diêm để tạo khói, giúp kiểm tra tốc độ hút mùi, không để khói, mùi lan toả ra xung quanh. Với bộ phận bếp điện, kiểm tra bằng cách dùng nồi nhỏ đun một ít nước xem bếp điện hoạt động có tốt không, đồng thời kiểm tra bề mặt bếp, nếu có nứt vỡ mặt kính để yêu cầu chủ đầu tư thay thế.
Cũng có những bước kiểm tra cơ bản chủ nhà cần thực hiện ở khu vực nhà vệ sinh, đặc biệt với bình nóng lạnh, vòi nước, sàn nhà…
“Đối với phần thô, chủ hộ cần kiểm tra kỹ để đảm bảo tường nhà không bị nứt, lớp sơn không bị bong tróc… Những căn hộ đã bao gồm phần tủ bếp, tủ áo, chủ căn hộ nên kiểm tra các cánh tủ mở có dễ dàng, có bị lệch nhau hay không? Toàn bộ phần sàn gỗ, cửa gỗ… đều phải kiểm tra về độ lún và cong vênh”, KTS Trần Dũng nói thêm.
Kiểm tra phần sở hữu chung
Phần sở hữu chung là hộp phòng cháy chữa cháy, chuông báo cháy, thang máy… “Lưu ý rằng khi bàn giao nhà, thang máy mới hoạt động nên trước khi bước vào thang máy, cư dân nên nhìn kỹ xem khi cửa cabin mở, nhưng thang đã lên đến nơi chưa. Điều này cực kỳ quan trọng và nên lưu ý để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, KTS Trần Dũng cảnh báo.
Về những điều khoản trong quá trình nhận bàn giao nhà giữa người mua nhà và chủ đầu tư, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Khoản 3, Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Chủ đầu tư chỉ được bàn giao nhà cho người mua khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Trong luật Xây dựng 2014 cũng quy định về bàn giao công trình xây dựng cần phải tuân thủ các quy định về nghiệm thu công trình, bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Ngoài căn hộ đã mua, người mua có thể kiểm tra những hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án khi nhận bàn giao nhà như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, khu vực để xe, hệ thống quản lý an ninh… tùy theo thiết kế được duyệt của dự án./
theo CafeLand