Những ứng viên nặng ký cho danh hiệu “Siêu Lừa” 2020

Alomuabannhadat – Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh covid – 19, đất nền vẫn là phân khúc được giới đầu tư săn tìm trong năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng thị trường xuất hiện hàng chục “cú lừa” ngoạn mục khiến khách hàng khóc mếu vì mất tiền tỉ vào các dự án ma.

Dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 cùng những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới trong năm 2020, bất động sản được xem là một kênh trú ẩn dòng tiền an toàn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn so với các kênh còn lại như vàng, chứng khoán, tiền ảo.

Trong khi các phân khúc như nhà ở, văn phòng, du lịch nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn, thậm chí là tê liệt thì đất nền vẫn giữ được sức nóng mặc dù số lượng giao dịch có phần giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sức nóng đến từ các cơn sốt đất chớp nhoáng diễn ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội… năm 2020 là một năm cực nóng về các vụ lừa đảo mua bán đất nền liên tục được phanh phui. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt sếp của công ty bất động sản ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An lần lượt bị khởi tố, bắt giam vì cùng chung một hành vi “vẽ” dự án trên giấy rồi rao bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Alomuabannhadat điểm lại những “cú lừa” ngoạn mục ở phân khúc đất nền trong năm 2020:

Một khu đất lừa bán 4 lần

Tháng 8/2020, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã bắt giam bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc – Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Thiên Ân Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khách hàng căng băng rôn tố cáo bà Hạnh Phúc

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017 bà Hạnh Phúc đã đặc cọc mua 3 lô đất có diện tích hơn 7.000m2 tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Thời điểm này, cả ba lô đất này là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện thủ tục xin lập dự án nhưng bà Phúc đã “hô biến” thành dự án có tên gọi khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 với quy mô 77 nền đất có diện tích từ 50 – 80m2.

Bà Phúc sau đó đã ký hợp đồng chuyển nhượng số nền đất trên cho 65 khách hàng và thu gần 78 tỉ đồng.

Dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nền đất, nhưng đến tháng 6/2018 khi khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở hợp pháp bà Phúc lại tiếp tục chuyển nhượng khu đất để thu về 16 tỉ đồng. Người mua sau đó đã thế chấp khu đất để vay 110 tỉ đồng của ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, năm 2019 bà Phúc tiếp tục bán khu đất trên cho một người khác với giá 160 tỉ, và đã nhận cọc 40 tỉ.

Ngoài ra bà Phúc còn thông qua các công ty trung gian để ký hợp đồng với nhiều khách hàng khác.

Cơ quan công an điều tra cũng cho biết, ngoài dự án trên bà Phúc còn bị nhiều khách hàng tố cáo liên quan tới nhiều “dự án ảo” khác như Nguyễn Xiển 1, 2, 3, Long Thuận, Long Thạnh Mỹ (quận 9) và Linh Xuân (quận Thủ Đức)…

Chưa có đất đã đem bán

Từ tháng 1/2018, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long) có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tổ chức giới thiệu và rao bán rầm rộ một dự án với 73 nền đất nằm trên đường Nguyễn Đôn Tiết, quận 2.

Công ty này đã cho vẽ dự án với phối cảnh lung linh gồm những dãy nhà phố được thiết kế sang trọng. Đồng thời, để tạo lòng tin cho khách hàng, nhiều hoạt động san lấp mặt bằng, một số hạ tầng cũng được triển khai trên khu đất.

Công ty Bảo Long cam kết, chỉ 6 tháng sau khi khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư doanh nghiệp này sẽ ra sổ riêng từng nền cho người mua.

Nhiều khách hàng đã tin tưởng và đóng cho Công ty Bảo Long số tiền lên đến 120 tỉ đồng.

Thế nhưng tất cả đã phải bàng hoàng khi biết được câu chuyện hấp dẫn về dự án chỉ là giả. Ngay cả khu đất được rao bán cũng không thuộc chủ quyền sở hữu của Công ty Bảo Long. Hạ tầng xây dựng trên khu đất là trái phép và bị chính quyền cưỡng chế.

Vẽ “dự án ảo” lừa gần 100 tỉ

Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa lập dự án nhưng Hoàng Mạnh Cường – Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia (quận 9, TP.HCM) đã tự ý lập dự án, phân lô để rao bán chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng từ khách hàng.

Được biết, Cường đứng tên tại 5 thửa đất thuộc quận 9. Dù những thửa đất này chưa được phê duyệt dự án nhưng trong giai đoạn 2018 – 2019, Cường đã tự ý vẽ ra các dự án với tên gọi khác nhau như KDC Central House Đường 4, KDC Đường 8, KDC Trường Lưu, KDC Long Phước và KDC Võ Văn Hát rồi rao bán cho nhiều khách hàng.

Trong đó, 3 dự án gồm KDC Central House Đường 4, KDC Đường 8, KDC Trường Lưu được phân thành 200 nền đất rồi ký kết hợp đồng đặt cọc, hợp tác đầu tư với người mua Cường thu về số tiền gần 100 tỉ đồng.

Khi khách hàng phát hiện vấn đề đến trụ sở công ty để đòi bàn giao nên như cam kết thì Cường đã không thực hiện, nhiều lần trốn tránh.

Khách hàng sau đó gửi đơn tố cáo cơ quan chức năng. Tháng 10/2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP. HCM đã bắt giam Hoàng Mạnh Cường để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giám đốc mất tích sau khi ôm tiền tỉ

Tháng 11/2020, PC03 Công an TP.HCM khởi tố bị can, ra quyết định truy nã về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Công ty bất động sản Đức Tâm Land (Quận 8, TP.HCM).

Công an phát lệnh truy nã Nguyễn Đức Tâm

Theo cơ quan điều ra, Tâm với vai trò là giám đốc của Đức Tâm Land đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với một chủ đất ở Đồng Nai. Theo đó, Đức Tâm Land sẽ có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện đầy đủ các thủ tực pháp lý dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển nhượng.

Tuy nhiên, sau đó Tâm đã tự ý lập bảng vẽ phân lô khu đất thành 86 nền khi chưa đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa lập hồ sơ xin cấp phép dự án, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khu đất sau đó được Tâm “khoác” cho tên gọi hoành tráng là “Khu nhà ở nghỉ dưỡng sinh thái Bửu Hòa – Biên Hòa – Đồng Nai" rồi cho nhân viên tổ chức giới thiệu, rao bán rầm rộ qua các trang mạng.

Để tạo niềm tin với khách hàng, Đức Tâm Land đã tổ chức san ủi tạo lập mặt bằng, thi công một số cơ sở hạ tầng trên khu đất. Khách hàng được cam kết tách thửa và cấp sau thời gian ngắn.

Nhiều người mua sau đó đã ký hợp đồng chuyển nhượng với Đức Tâm Land với tổng số tiền hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi thu hàng tỉ đồng của khách hàng giám đốc Tâm Đức Land đột ngột đóng cửa công ty và “mất tích”. 

Trịnh Quốc Hưng - Tổng giám đốc KingLand bị bắt

Ngoài những vụ trên, năm 2020 còn có nhiều sếp bất động sản khác bị cơ quan công an khởi tố như: Trịnh Quốc Hưng – Tổng giám đốc KingLand; Đỗ Sơn Tùng – Giám đốc Công ty bất động sản nhà đất Đồng Nai; Nguyễn Diệu Thuý – Giám đốc Tiên Phong Land; Nhiều lãnh đạo của Công ty Đầu tư và Xây dựng bất động sản Hưng Thịnh do có liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường….

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất