Phát triển nhà ở xã hội cần cơ chế đặc thù

Nhằm giải quyết vấn đề gia tăng dân số nhanh tại đô thị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06/CTr-TU nhằm tạo bước đột phá trong giải quyết nhu cầu về quỹ nhà ở cho người dân.

Mặc dù là một trong số ít địa phương đi đầu về phát triển nhà ở, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù cho Thủ đô trong vấn đề này.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Theo mục tiêu của Chương trình số 06/CTr-TU (phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020), đến năm 2020 trên địa bàn TP sẽ xây mới diện tích nhà ở đạt 12,5 – 15 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23 – 24 m2/người. Trong đó, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là 6,3 triệu m2, gồm cho thuê, thuê mua đạt khoảng 1,1 - 1,5 triệu m2; nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng khoảng 540.000 m2; nhà ở cho công nhân tương đương 1,6 triệu m2; nhà tái định cư tương đương 1,6 triệu m2.

 

Khu nhà ở xã hội Việt Hưng. Ảnh: Hải Linh

Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay TP mới phát triển được khoảng 3,6 triệu m2 NƠXH, đạt tỷ lệ 68,3%. Sở cũng đã trình UBND TP phê duyệt, ban hành quyết định bán nhà tái định cư với tổng diện tích 11.965 m2 và đề nghị xem xét 16 dự án chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, trong đó đã có 13 dự án được chấp thuận. Trong năm 2020, cần phải hoàn thiện thêm khoảng 1,6 triệu m2 sàn còn thiếu so với kế hoạch đã được duyệt, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, các hoạt động đầu tư xây dựng đều bị đình trệ, chậm triển khai.

Tuy nhiên, đối với nhà ở thương mại, từ năm 2016 đến nay, có thêm 8 triệu m2 sàn đã hoàn thành, tính chung trong cả giai đoạn, diện tích sàn nhà ở thương mại trên địa bàn Thủ đô đạt trên 20,2 triệu m2. Ngoài ra, TP cũng có 174 dự án nhà chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 1,2 triệu m2, nâng diện tích sàn bình quân đầu người lên 26,3m2/người, vượt chỉ tiêu theo kế hoạch của Chương trình 06/CTr-TU. “Hiện nay, Sở Xây dựng đang xây dựng chương trình kế hoạch phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2021 – 2025, bảo đảm các chỉ tiêu phát triển hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 còn thiếu, sẽ tiếp tục rà soát, tập trung các giải pháp để nhanh chóng hoàn thành; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách sớm bàn giao đủ điều kiện để đưa vào sử dụng trong năm 2020” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Ưu tiên về cơ chế

Từ khi ban hành Chương trình số 06/CTr-TU, chính quyền TP Hà Nội đã thực hiện bước đột phá về giải pháp giải quyết nhu cầu về quỹ nhà phục vụ nhu cầu tái định cư, GPMB những dự án, công trình hạ tầng trọng điểm, như: đề xuất Chính phủ để thực hiện cơ chế chính sách đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại tạo lập quỹ nhà tái định cư; xây dựng quỹ hỗ trợ để đầu tư phát triển NƠXH từ nguồn tiền thu được tại những dự án nhà ở thương mại, thực hiện theo phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất ở của dự án để phát triển NƠXH (hiện đã có gần 2.100 tỷ đồng nộp ngân sách để phát triển NƠXH - PV).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô đang gặp nhiều chông gai, như: giá đất đô thị tăng cao khiến cho nhóm người thu nhập trung bình – thấp (chiếm 70 – 80% dân cư đô thị) ngày càng khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), xây dựng sai thiết kế quy hoạch diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát; việc cải tạo, xây dựng mới các khu nhà tập thể, chung cư cũ diễn ra chậm chạp do chồng chéo về quy định pháp luật dẫn đến sự thiếu đồng thuận từ người dân...

Liên quan đến vấn đề vướng mắc về pháp lý đối với các dự án nhà ở, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và Bộ Xây dựng mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Hà Nội là địa bàn đặc biệt, có đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần phải xây dựng những cơ chế đặc thù để giải quyết công việc cho Thủ đô.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, với đặc thù là đầu tàu về kinh tế, chính trị nên số lượng công việc tại Hà Nội lớn hơn gấp nhiều lần so với những địa phương khác. “Vì vậy, không thể áp quy định chung của tất cả các địa phương cho Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh được. Cần phải xây dựng những cơ chế đặc thù riêng, mới có thể giải quyết nhanh chóng được một khối lượng công việc lớn như vậy” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

"Hà Nội đã xây dựng chương trình phát triển nhà ở của riêng mình. Trong đó, để tránh quá tải lên hạ tầng đô thị, giúp người dân có nhà ở sẽ tập trung phát triển những vùng ven đô thị, hạn chế phát triển ở nội đô lịch sử hoặc trung tâm hiện hữu của nội đô cũ. Như vậy, Hà Nội phải đẩy mạnh việc phát triển 5 đô thị vệ tinh, giải quyết chỗ ở từ 2,5 - 3 triệu người. Ngoài ra, trong thời gian tới, cần phải cải thiện về chính sách, tăng thu nhập người dân, thì mới mong nhiều người có cơ hội sở hữu nhà." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất