Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh thực trạng lãng phí đất công ở TPHCM. Trong bối cảnh thành phố thiếu quỹ đất trầm trọng cho các chương trình chỉnh trang đô thị thì khá nhiều Cty nhà nước được UBND TPHCM giao nhiệm vụ giữ đất công lại bỏ hoang và cho thuê tư lợi. Và theo kết quả thanh tra mới đây, danh sách sai phạm này ngày càng dài.
Nguyên khu mặt tiền của Thảo Cầm Viên bị đem cho thuê làm nhà hàng ăn uống và các dịch vụ, bít cả cổng đi vào của khu công viên này. Ảnh: Bảo Chương
Xẻ thịt công viên không thương tiếc
Với tiêu chí là nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho cộng đồng vừa kiêm chức năng “lá phổi” xanh cải thiện môi trường, thế nhưng giờ đây, những công viên tại TPHCM đang bị “băm nát”. Không ồn ào giao dịch như thị trường đất dự án, “đất vàng” trong các công viên trên địa bàn thành phố đang lặng lẽ bị “chia năm xẻ bảy” để kinh doanh, sinh lợi cho 1 nhóm người.
Trường hợp Thảo Cầm Viên Sài Gòn là ví dụ điển hình. Theo thực tế phóng viên ghi nhận được, Thảo Cầm Viên có 2 cổng để đi vào. Tuy nhiên, hiện nay nguyên cả khu mặt tiền phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai của Thảo Cầm viên đang được biến thành quần thể nhà hàng ăn nhậu, càphê. Nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào chỉ thấy bảng hiệu của những dịch vụ kinh doanh, từ trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán càphê. Còn bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các kiốt bán hàng mọc lên như nấm.
Theo vợ chồng chị Hoà - người dân sống lâu năm ở gần Thảo Cầm Viên - mang tiếng là sở thú nhưng vào đây thì thú ít, nhưng dịch vụ ăn uống thì quá nhiều. Không gian cần thiết cho các cháu chơi đang dần teo tóp và nhường phần cho các dịch vụ không liên quan.
Tình trạng trên không phải là quá hiếm ở các công viên trên địa bàn thành phố. Qua kết quả thanh tra theo niên độ mới được công bố, Thanh tra TPHCM cũng phát hiện quá trình cho thuê đất công viên ở Q.6 có nhiều sai phạm, để tư nhân trục lợi đất công. Điển hình nhất là ở 2 công viên Phú Lâm và Bình Phú có 2 công trình tư nhân xây dựng không phép, 8 công trình xây dựng không đúng quy hoạch, lấn chiếm sử dụng chung để kinh doanh nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Đơn cử như Công viên Phú Lâm có tổng diện tích hơn 61.000 m2, giáp mặt tiền 3 tuyến đường: Kinh Dương Vương, An Dương Vương và Lê Tuấn Mậu, là điểm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân ở Q.6. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một phần diện tích lớn nhất của công viên này được biến thành 1 trung tâm tiệc cưới với quy mô rất hoành tráng. Vị trí nhà hàng Sun Palace hiện nay trước đây vốn là hội trường cũ thuộc Trung tâm văn hóa Q.6. Điều đáng nói là, với tổng diện tích khoảng 1.900m2 nằm ở vị trí mặt tiền tuyệt đẹp của đường Kinh Dương Vương nhưng số tiền thuê quá “bèo” chỉ 20 triệu đồng/tháng.
Đáng nói hơn, vào tháng 12.2017, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu phải di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... tồn tại trên đất công viên trên địa bàn thành phố, trong đó có các công viên ở Q.6 để trả lại mặt bằng công viên cho người dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay chỉ đạo của người đứng đầu TPHCM vẫn bị phớt lờ.
Theo 1 lãnh đạo của Sở TNMT TPHCM, việc sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định về công năng và chức năng. Đối với các công viên, khu vực có cây xanh và các công trình phụ trợ đều phục vụ cho lợi ích công cộng, phục vụ người dân. Nguyên tắc tỉ lệ chung giữa mảng xanh và các công trình xây dựng, đơn vị quản lý buộc phải tuân thủ. Các đơn vị được giao quản lý công viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc đó. Nhưng thực tế, vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích và có tình trạng “xẻ thịt” công viên.
Thêm nhiều địa chỉ đất công bỏ hoang
Theo báo cáo niên độ thanh tra, kiểm tra một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong 2 năm 2016 - 2017, Thanh tra TPHCM có 10 kết luận, phát hiện đến 103 cơ sở nhà đất công sản có sai phạm. Về nội dung sai phạm cụ thể, có 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, sai quy định; 32 mặt bằng cho thuê trái phép; 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí; 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm; 1 mặt bằng vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống.
Một trong số những đơn vị được giao giữ quỹ đất công lớn nhưng bỏ hoang, lãng phí nhiều năm qua và có dấu hiệu trục lợi khi đem cho đơn vị bên ngoài thuê, đó là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist). Cụ thể Saigontourist có 14 khu đất. Điều đáng nói là các khu đất này đa số được Saigontourist cho thuê lại để mở nhà hàng, cửa hàng hoặc cho thuê lại làm kho bãi, văn phòng làm việc và bãi đậu đỗ xe.
Có những khu đất có dấu hiệu trục lợi trong việc cho thuê. Đơn cử, khu đất tại số 18 Khổng Tử (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) cũng được giao cho Saigontourist quản lý và sử dụng. Theo ghi nhận thực tế thì trên khu đất công này đã mọc lên 1 ngôi nhà rất khang trang, có tường bao bọc và cổng rào rất kín kẽ. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngôi nhà này, dù phía ngoài còn bảng hiệu của Saigontourist nhưng luôn trong tình trạng bị “niêm phong”, cửa đóng then cài. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, khu đất công này thuộc quyền quản lý và sử dụng của Saigontourist, đang sử dụng không đúng mục đích và sai quy định.
Một đơn vị có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng nhà đất công sản được giao khác nữa, đó là UBND Q.8 và Công ty dịch vụ công ích Q.8. Theo Thanh tra TPHCM, qua khảo sát hiện trạng 14 cơ sở nhà đất công được giao trên địa bàn này, có đến 7 cơ sở với tổng diện tích hơn 11.800 m2 để trống, gây lãng phí.
Sau quá trình thanh tra, Thanh tra TPHCM khẳng định, việc cho thuê nhà đất công bát nháo như trên “thể hiện việc xem thường, không tuân thủ quy định của nhà nước, chỉ đạo của UBND TPHCM theo phân cấp, tùy tiện trong thực hiện quản lý”. Thanh tra TPHCM cũng khẳng định, trách nhiệm gây ra những sai phạm đó thuộc về Chủ tịch UBND Q.8, Đội trưởng Thanh tra địa bàn Q.8, tập thể HĐTV, Giám đốc và Trưởng phòng Quản lý nhà Công ty dịch vụ công ích Q.8 thời kỳ liên quan. Tuy nhiên, hơn 5 tháng qua, việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm nói trên vẫn còn bỏ ngỏ.
theo CafeLand