Biết sắp có dự án triển khai trên diện tích đất rừng được giao, một số người dân ở TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã đốn hạ rừng keo để trồng nhãn nhằm trục lợi hàng chục tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Năm 2017, những rừng keo đã bị chặt toàn bộ để thay đổi hiện trạng.Ảnh: N.H
Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn, do Công ty CP than Cao Sơn (TP.Cẩm Phả) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.760 tỉ đồng, trên tổng diện tích hơn 900 ha.
Để triển khai dự án, tháng 6.2015, TP.Cẩm Phả ra thông báo thu hồi toàn bộ diện tích hơn 900 ha đất trên, trong đó có gần 330 ha của 42 hộ bị ảnh hưởng.
Công tác thu hồi, đền bù được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình đền bù đã xảy ra hiện tượng người dân câu kết với cán bộ địa phương cố tình làm sai lệch hồ sơ, thay đổi hiện trạng đất để trục lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
“Hô biến” rừng keo thành rừng nhãn
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, PV Thanh Niên tìm đến cánh rừng ở khu 9, P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả, nơi có hơn 50 ha rừng sản xuất được “hô biến” thành đất trồng cây lâu năm để “mục sở thị” rừng... nhãn.
PV ghi nhận tại đây chỉ là những cây nhãn nhỏ, thân mảnh khảnh cỡ bằng cổ tay trẻ em và cao chỉ tầm 1 m. Ông V.V.Th (khu 9, P.Mông Dương) bức xúc: “Đây chính là các cây nhãn... giống. Thế mà trong hồ sơ đền bù, người ta ghi đây là nhãn trồng trước 2014, vì vậy đã đền bù với giá đất trồng cây lâu năm. Nếu trồng từ thời gian đó thì đến giờ cũng được khoảng 5 - 6 năm rồi, thế sao cây vẫn bé tí, rễ thì bọc kín thế này?”.
Vừa nói, ông Th. vừa lấy tay “bứng” thử một vài cây nhãn để chứng minh. Chỉ với vài cú lay nhẹ là ông đã lôi bật được cả bộ rễ của các cây nhãn “lâu năm” lên khỏi mặt đất. Quả nhiên, bộ rễ cây nào cây nấy cũng chỉ to bằng khoảng 2 nắm tay, bó xung quanh là những lớp ni lông màu đen.
Theo ông Th., nơi này từ năm 2015 trở về trước vốn là đất rừng trồng keo. Thế nhưng từ tháng 3.2017, một vài hộ dân đã thuê người đến đốn hạ keo để chuyển sang trồng nhãn giống.
Một người dân khác trong khu vực là bà L.Th.Nh, nhớ lại: “Khi trồng chi chít nhãn giống ở trên đất đó, họ có rủ tôi làm theo nhưng tôi đã từ chối”.
Rừng nhãn được trồng sau khi keo bị đốn hạ
Sở dĩ có việc các hộ dân “hô biến” rừng keo thành rừng nhãn, theo lý giải của ông N.V.M (khu 9, P.Mông Dương), là để được hưởng tiền đền bù dự án nhiều hơn.
Cụ thể, giá đất đền bù dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt là 6.000 đồng/m2 đất trồng rừng và 46.000 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm.
Chính vì vậy, ngay sau khi có thông báo thu hồi đất rừng, một số hộ dân đã chặt hết keo để trồng nhãn, hòng biến thửa đất trồng rừng keo của nhà mình thành đất trồng cây lâu năm.
Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, có 6 trường hợp hồ sơ đền bù đã được chính quyền TP.Cẩm Phả ghi rõ: “Toàn bộ nhãn giống như hiện trạng đang có, được trồng từ trước 2014”.
Đến ngày 16.4 vừa qua, cả 6 trường hợp này đã được chính quyền TP.Cẩm Phả phê duyệt phương án bồi thường, trong đó có hộ được chi đền bù sai lên đến hơn 12 tỉ đồng và tổng cộng 6 hộ đã được bồi thường sai khoảng 30 tỉ đồng.
Rà soát lại tất cả các phương án đền bù
Nhãn “trồng trước năm 2014” nhưng chưa kịp ra rễ?!
Trả lời PV Thanh Niên, ông Vũ Đình Sơn, Phó giám đốc và ông Nguyễn Phú Cường, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Cẩm Phả - những người trực tiếp tham gia kiểm đếm hiện trạng các thửa đất trên, đều cho rằng: “Chúng tôi căn cứ hiện trạng thực tế tại thời điểm kiểm tra. Đất trồng cây gì thì xác minh như thế!”.
Tuy nhiên, trong cuộc làm việc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hải Khiên, Phó chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, khẳng định có sai phạm và dấu hiệu không minh bạch trong công tác kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để GPMB dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn.
“Trước mắt, chúng tôi tập trung kiểm đếm lại để đền bù chính xác cho người dân. Sau đó, sẽ tổ chức kiểm điểm các cán bộ để xảy ra sự việc trên”, ông Khiên nói.
Cũng theo ông Khiên, ngay khi nhận được phản ánh của người dân và PV Thanh Niên hồi cuối tháng 7 vừa qua, TP đã cho rà soát lại.
Đến ngày 25.7, TP.Cẩm Phả đã ra quyết định thu hồi 4 phương án đền bù vì trục lợi GPMB gần 30 tỉ đồng. Sắp tới, TP.Cẩm Phả sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tiến hành rà soát lại tất cả các phương án đền bù trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi địa phương này khắc phục hậu quả thì câu hỏi được đặt ra là: vì sao cả một hội đồng đền bù của chính quyền các cấp, từ phường đến TP lại dễ dàng chi sai hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước? Ngoài những trường hợp nêu trên, liệu còn bao nhiêu trường hợp khác tương tự và đến bao giờ mới thu hồi lại được khoản tiền bị trục lợi kể trên?
theo CafeLand