Sai phạm đất lớn nhất Cần Thơ

Quận Bình Thuỷ bị phát hiện sai phạm đất lớn nhất từ trước đến nay tại Cần Thơ, 5 cán bộ đã bị khởi tố; hàng loạt quận khác cũng lộ nhiều khu dân cư, đất trái pháp luật.

Công an TP Cần Thơ vừa khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Trứ (36 tuổi, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thủy) về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS 2015.

Động thái này được đưa ra sau quá trình mở rộng điều tra vụ án sai phạm đất đai ở quận Bình Thuỷ và lớn nhất từ trước đến nay tại Cần Thơ. Ông Trứ là bị can thứ 5 bị xử lý hình sự.

Những người bị bắt giam trước đó (cuối năm 2019) gồm Lê Văn Vũ (Phó phòng Tài nguyên môi trường quận Bình Thuỷ) và 3 cấp dưới là Huỳnh Trung Thanh, Lê Hồng Khánh và Trần Tuấn Anh.

Sai phạm đất (tổng cộng hơn 2 ha) tại quận Bình Thuỷ từng được Thanh tra TP Cần Thơ chỉ ra từ cuối năm 2017 và bị cho là "đặc biệt nghiêm trọng". Công tác quản lý đất ở đây có nhiều sơ hở, yếu kém như: cho phép điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định; để xảy ra tình trạng tách thửa, chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, lấn chiếm đất; hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém... Việc này làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đô thị quận Bình Thuỷ và TP Cần Thơ.

Nghiêm trọng nhất là tại phường Long Hoà. Ngành chức năng quận Bình Thuỷ bị cho là "ưu ái, dễ dàng" để vợ chồng ông Sử Quang Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền được chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chia lô, bán nền, cấp phép xây dựng trái với quy hoạch được duyệt; để xây dựng nhà sai phép, không phép nhưng không kiên quyết xử lý.

Nghiêm trọng hơn, ông Thái đã san lấp rạch Mù U trái phép để làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa... hình thành nên các khu dân cư tự phát.

Thanh tra đánh giá, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công tác triển khai, thực hiện đề án khai thác quỹ đất thành phố (giai đoạn 2017-2021), do phải bồi thường giá đất thổ cư, bồi thường nhà, vật kiến trúc và tái định cư cho các hộ dân. Ngoài ra, ông Thái còn được cho phép điều chỉnh vị trí đất đô thị, nhận chuyển nhượng nhiều diện tích đất lúa sai quy định.

Bến xe trái phép cặp quốc lộ 91B tại quận Bình Thuỷ. Ảnh: Cửu Long.

Ngoài ra, quận Bình Thuỷ còn cho phép hộ ông Lê Đức Thành chuyển mục đích sử dụng từ đất cây lâu năm thành đất đô thị sai pháp luật; chuyển nhượng đất lúa sai quy định để làm bến xe Thành Bưởi (theo quy định phải là đất chuyên dùng). Quận này cũng cho phép hộ Nguyễn Việt Thảo và Nguyễn Thị Ánh Loan điều chỉnh gần 4.200 m2 từ đất lúa thành đất sử dụng vào mục đích khác trái quy định.

Theo Thanh tra TP Cần Thơ, quận Bình Thuỷ đã vi phạm các quy định về sử dụng, quản lý đất đai theo quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng... Có khả năng hình thành điểm nóng trong giải quyết khiếu nại.

Từ đó, Thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xem xét, xử lý lãnh đạo quận này, đồng thời chuyển vụ việc cho Công an thành phố điều tra.

Sau đó, ông Lê Tâm Niệm (Chủ tịch UBND quận Bình Thuỷ) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, điều về Sở Nội vụ; Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Tuấn bị điều về phòng tổ chức quận. Hai ông này trực tiếp ký các quyết định, văn bản liên quan đến các sai phạm trên.

Một cây cầu dẫn vào khu dân cư tự phát ở quận Bình Thủy bị tháo dỡ. Ảnh: Cửu Long.

Công an TP Cần Thơ trưng cầu Sở Tài chính giám định giá trị thiệt hại và định giá tài sản đối với quyền sử dụng đất phần diện tích chuyển mục đích sai quy định; việc ký hợp đồng với nhà tư vấn dịch vụ thẩm định giá tài sản với diện tích chuyển mục đích sai quy định để làm căn cứ xử lý.

Đại tá Võ Văn Thăng (Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ) cho biết, vụ án tiếp tục được điều tra mở rộng, làm rõ sai phạm của những người liên quan. Hiện, cơ quan điều tra đã có quyết định trưng cầu giám định về chuyên môn, giám định thiệt hại của vụ việc sai phạm đất đai tại quận Bình Thuỷ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang chờ kết luận.

Ngoài quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ cũng rà soát sai phạm đất đai tại quận Ninh Kiều và Cái Răng, phát hiện 148 khu dân cư tự phát, với tổng diện tích khoảng 95 ha. Trong đó, 54 ha đất nằm trong quy hoạch. Bên cạnh những khu bỏ trống thì nhiều nơi đã có người dân sinh sống đông đúc...

Đặc điểm chung của các khu dân cư trái phép là không có vỉa hè, cống thoát nước (hoặc có, nhưng rất sơ sài); không có hệ thống ống dẫn nước chữa cháy, nước sạch, điện sinh hoạt, công viên cây xanh; không tuân thủ về mật độ xây dựng, phá vỡ quy hoạch đô thị...

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất