Ngày 21-2, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng vừa ký ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lâu Đài (Công ty Lâu Đài) giao về cho công ty TNHH MTV Đắk N’Tao (Công ty Đắk N’Tao) và Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Nông quản lý, sử dụng.
Hàng chục ha rừng tại Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị tàn phá chiếm đất sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, diện tích đất bị thu hồi là 14,2714ha, trong đó giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Nông quản lý 0,1574 ha, bao gồm hiện trạng có một số tài sản của Công ty Lâu Đài đã hết thời hạn 24 tháng kể từ ngày chấm dứt dự án đầu tư theo quy định nhưng không xử lý được theo quy định của pháp luật; giao cho Công ty Đắk N’Tao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 14,114 ha.
Lý do thu hồi, Công ty Lâu Đài bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động đầu tư dự án từ năm 2017, do nhà đầu tư vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật đất đai năm 2013.
Tỉnh Đắk Nông cũng giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, huyện Đắk Song tổ chức thiết lập hồ sơ pháp lý và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích 14,114 ha rừng bị phá để tổ chức bàn giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định. Buộc Công ty Lâu Đài phải bồi thường thiệt hại hơn 3 tỷ đồng vì buông lỏng quản lý để mất hơn 14 ha rừng tự nhiên của dự án.
Gỗ tang vật do nhân viên Công ty Lâu Đài phối hợp lâm tặc bên ngoài khai thác tại Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly.
Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly, có địa chỉ tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, với tổng mức đầu tư gần 106 tỷ đồng; quy mô hơn 88 ha, gồm hệ thống thác nước kết hợp với rừng tự nhiên hơn 65 ha. Từ năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Lâu Đài, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Nhưng do yếu kém về năng lực tài chính, từ khi nhận bàn giao, Công ty Lâu Đài không triển khai dự án đúng quy định, đồng thời buông lỏng quản lý, bảo vệ khiến cho hàng loạt cánh rừng bị chặt phá nghiêm trọng. Rừng bị phá không chỉ do lâm tặc và người dân chiếm đất sản xuất, mà chính nhân viên của công ty tiếp tay phá rừng, tham gia khai thác gỗ trái phép.
theo CafeLand