Hơn 20.000 m2 đất trong khu đô thị mới nằm ở trung tâm thành phố được cho thuê với cơ chế cân đối tiền đầu tư hoặc không thể thu tiền của doanh nghiệp
Lô đất có ký hiệu CX9 rộng 13.568 m2 nằm cạnh đường Trường Chinh nối dài, thuộc khu A đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau khi được đền bù giải phóng mặt bằng bởi dự án khu đô thị mới An Cựu thì trở thành vườn ươm cây xanh của một doanh nghiệp và một cá nhân theo hợp đồng cho thuê.
Từ triển lãm cây xanh thành biệt phủ?
Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế (gọi tắt là BQL) - đơn vị quản lý khu đất trên, cho biết khu đất này có chức năng là đất cây xanh, mặt nước và trước đây là bãi đất hoang hóa, mặt hồ.
Ngày 5-2-2015, BQL ký hợp đồng cho Công ty TNHH MTV Tiến Đạt thuê khu đất đến hết năm 2020. Tiếp đó, ngày 11-3-2015, đơn vị này lại ký phụ lục hợp đồng cho bà Lê Thị Hồng Phúc thuê khu đất để đầu tư công viên kết hợp triển lãm trưng bày cây xanh. Theo ông Nguyễn Hữu Dinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Đạt, trong số 13.568 m2 thì công ty thuê 10.000 m2, phần đất còn lại cho bà Phúc thuê.
Khu đất bà Lê Thị Hồng Phúc thuê với mục đích xây dựng công viên triển lãm cây xanh nhưng giống như biệt phủ
Hợp đồng ký kết giữa các bên cho thấy mục đích cho thuê nhằm làm công viên kết hợp triển lãm, trưng bày các loại cây xanh. Giá thuê đất được cân đối trên nguyên tắc bù trừ toàn bộ chi phí mà công ty này bỏ ra đầu tư cải tạo, chỉnh trang và trồng cây xanh theo quy hoạch trong thời gian được thuê đất.
Nghĩa vụ của bên thuê đất là cải tạo, san lấp mặt bằng và trồng cây xanh trên vỉa hè đường Trường Chinh nối dài ở khu vực trước mặt khu đất cho thuê theo đúng phương án chấp nhận...
Vì sao cho thuê diện tích lớn nhưng doanh nghiệp không phải trả tiền thuê? Trong văn bản trả lời Báo Người Lao Động, ông Minh giải thích là dựa trên công văn của Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 28-1-2015 hướng dẫn phương án khai thác quỹ đất nói trên.
Trong đó, trên cơ sở khảo sát giá cả thị trường và chi phí nhà đầu tư bỏ ra để đầu tư vào đất, BQL phối hợp với các nhà đầu tư thỏa thuận mức giá bảo đảm bù đắp chi phí.
"Doanh nghiệp Tiến Đạt cũng hỗ trợ trồng cây xanh tại một số điểm ở trong khu đô thị. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các bên thuê đất trả lại mặt bằng chậm nhất vào cuối năm nay" - ông Minh nói.
Mặc dù mục đích cho thuê đất là như vậy nhưng theo ghi nhận, đây chỉ như là vườn ươm cây xanh, cây cảnh để bán cho những ai có nhu cầu.
Đặc biệt, tại khu đất cho bà Phúc thuê, hầu như biến thành khu vườn riêng của hộ gia đình bởi được rào chắn bao quanh, lối đi vào xây cổng kiên cố và thường xuyên khóa cửa.
Bên trong khu đất, người thuê đã xây dựng một căn nhà cấp 4 giống kiểu nhà vườn. "Mô hình là công viên triển lãm cây xanh nhưng phần đất này giống như khu vườn xây biệt phủ thì đúng hơn" - nhiều người dân nhận xét.
Khó khăn trong việc thu tiền
Mới đây, trong kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế về dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới An Cựu nằm cạnh lô đất CX9 cũng khẳng định Công ty CP Đầu tư IMG Huế đầu tư 11 sân bóng đá cỏ nhân tạo, nhà dịch vụ, nhà giữ xe lấn chiếm hơn 17.200 m2 đất thuộc khu vực quy hoạch xây dựng nhà chung cư cao tầng, trong đó có gần 7.800 m2 là đất do nhà nước quản lý.
Theo BQL, trong số này có 4 sân bóng ở khu T xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 6-2012, 7 sân còn lại tại khu U và V đưa vào sử dụng từ tháng 7-2013.
Điều đáng nói là sau khi các sân bóng xây xong, cho thuê thì các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế mới phát hiện và tìm phương án xử lý.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản cho phép các sân ở khu T tồn tại đến hết năm 2015, những sân còn lại tồn tại đến hết năm 2018. Tuy nhiên, hiện các sân bóng này vẫn tồn tại, kinh doanh bình thường.
Ngày 6-10-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản thống nhất giao cho BQL ký hợp đồng thỏa thuận với nhà đầu tư về việc sử dụng đất làm sân bóng.
Năm 2017, đơn vị này có công văn kèm bản vẽ gửi Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị xác định mức giá thuê đất đối với diện tích do nhà nước quản lý kể từ thời điểm Công ty IMG Huế đưa các sân cỏ vào sử dụng.
Sau đó, Sở Tài chính đưa ra đơn giá thuê đất: Giai đoạn 2012-2014 là 58.300 đồng/m2/năm; từ năm 2015 trở đi là 40.000 đồng/m2/năm đối với khu T; 58.400 đồng/m2/năm đối với khu U và V.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Minh cho biết Công ty IMG Huế cho rằng giá cho thuê này quá cao so với hoạt động vui chơi, giải trí và không có khả năng chi trả.
"Thanh tra tỉnh cũng có đề nghị Sở Tài chính tiếp tục xác định đơn giá thuê đất đối với diện tích này làm cơ sở tính số tiền thuê đất đối với nhà đầu tư" - ông Minh nói thêm.
Xây trước, hợp thức hóa sau
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kết luận Công ty IMG Huế xây dựng khối nhà kiên cố rộng 1.000 m2 không đúng quy hoạch ở khu đất có diện tích 2.435 m2, nằm trong công viên cây xanh và dịch vụ công cộng, thuộc khu đô thị mới An Cựu, do UBND tỉnh quản lý.
Ông Hoàng Tiến Minh khẳng định về nguyên tắc, sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư phải bàn giao cho nhà nước quản lý.
Riêng khu đất này, nhà đầu tư tự ý xây dựng nhà điều hành dự án, sau đó trở thành văn phòng làm việc của công ty từ năm 2010 mà chưa được tỉnh cho phép, chưa lập các thủ tục pháp lý.
Để hợp thức hóa diện tích khu đất này, ngày 14-11-2017, Công ty MG Huế có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng giải quyết là cho thuê đất với thời hạn 30-50 năm, mục đích sử dụng là đất thương mại - dịch vụ.
|
theo CafeLand