Đó là những gì đang diễn ra tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc khi một số diện tích đất nuôi trồng thủy sản đã được đổ đất, xây nhà trong khi chính quyền xã lại có dấu hiệu “tiếp tay”, không xử phạt.
Ở con đường liên xã nối 2 xã Lộc Trì, Lộc Bình và thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) đoạn qua thôn Trung An (xã Lộc Trì) những ngày này mọi người không khỏi bất ngờ bởi một khối nhà kiên cố mọc lên ở phần đất nuôi trồng thủy sản (ĐNTTS) cạnh đầm phá nước lợ Cầu Hai.
Khối nhà kiên cố mọc lên trên mặt nước là đất nuôi trồng thủy sản ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Khối nhà này được xây dựng trên một nền đất được đổ kiên cố ở phần mặt nước nuôi trồng thủy sản bên dưới. Nhà xây diện tích lớn, kiên cố thuộc dạng nhà ở lâu dài với nền xi măng, tường gạch, mái tôn, có các phòng như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh… Nhìn từ xa, công trình này nằm trơ trọi giữa mặt nước rất phản cảm.
Cạnh nhà này là một nền đất khác được đổ từ đất san lấp lên mặt nước thủy sản. Với mục đích đổ nền để chuẩn bị xây nhà, một khối nhà nữa chuẩn bị hình thành tại đây.
“Không biết tại sao mà chính quyền lại để mấy người này tới đây đổ đất làm nhà trên mặt nước nuôi trồng thủy hải sản được. Có dấu hiệu gì mờ ám hay chi không mà công trình sai phạm vẫn cứ ung dung tồn tại. Căn nhà này làm từ ra Tết 2020 đến nay nhưng không thấy cán bộ tới xử lý gì cả” – một người dân gần đó bức xúc.
Ngang nhiên đổ đất, xây nhà trên mặt nước
Làm việc với PV chiều 9/4, ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, căn nhà xây dựng ở thôn Trung An là của ông Nguyễn Khánh Hoàng, người thị trấn Phú Lộc đến mua đất người dân ở xã Lộc Trì.
“Đây là đất nuôi trồng thủy sản được ông Hoàng xây dựng với diện tích 50 mét vuông. Chúng tôi có lập biên bản ngày 27/2 về việc xây dựng công trình trên đất k được phép xây dựng. Khi đó ông Hoàng chỉ xây sơ sơ thôi” – ông Tân thông tin.
Tuy nhiên, thay vì ra quyết định xử phạt, cưỡng chế xây dựng căn nhà này, buộc trả lại nguyên trạng mặt nước nuôi trồng thủy sản bị lấn chiếm thì xã Lộc Trì lại “vẽ đường cho hươu chạy” khi tiếp tục hướng dẫn ông Hoàng chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Căn nhà đã thành hình
“Do ông Hoàng nói làm quán tạm chứ không phải nhà ở, nếu không làm được thì sẽ trả lại mặt bằng. Căn nhà đó cũng không phải kiên cố khi không làm móng nên chúng tôi mới hướng dẫn ông này lên huyện chuyển đổi loại đất. Nhiều người mánh khóe lắm mình cũng không biết sao nữa” – ông Tân phân trần.
Cho đến nay, căn nhà này vẫn tồn tại không được xử phạt gì vì theo nguyên nhân của chính quyền xã Lộc Trì cho biết là chủ nhà vẫn đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ ĐNTTS sang đất ở.
Thay vì xử phạt, chính quyền xã Lộc Trì lại hướng dẫn chủ nhà đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để căn nhà được tồn tại
Bên cạnh ngôi nhà trái phép này là một nền đất với dấu vết đất đổ lên mặt nước còn mới toanh. Cụ thể đó là trường hợp bà Lê Thị Chim (ngụ xã Lộc Trì) tổ chức san lấp trái phép, gọi người đến đổ đất ở bên cạnh nhà xây dựng trái phép của ông Hoàng với suy nghĩ “người ta sai làm được thì mình làm được”. Tuy nhiên, với sự phản ứng của người dân, hiện việc san lấp đã dừng lại và chưa có căn nhà thứ 2 sai phạm mọc lên.
Đổ đất san lấp trái phép trên mặt nước cạnh nhà ông Hoàng là đất bà Chim
PV hỏi hướng xử lý của xã như thế nào trước việc này thì ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì ngồi trầm ngâm và im lặng, không trả lời được câu hỏi của PV.
Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (trái) và ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (phải) làm việc với PV
Đang bận chuẩn bị họp trực tuyến phòng, chống Covid-19 chiều 9/4 qua điện thoại, ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, báo cáo việc này.
Sự tồn tại của công trình sai phạm không được xử lý rất khó hiểu tại xã Lộc Trì làm dư luận đặt câu hỏi: Liệu có sự "tiếp tay" từ chính quyền địa phương?
theo CafeLand