Dù ban đầu một phần mảnh đất của gia đình ông Châu chỉ là cho ông Hồ mượn, thế nhưng, sau đó gia đình ông Hồ xây nhà rồi “tiện thể” làm luôn Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do chính quyền quận 12 cấp.
Tranh chấp vì cho mượn đất xây nhà
Theo đơn kêu cứu gửi báo Pháp luật Việt Nam của ông Lý Văn Châu (SN 1931, ngụ khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, TP HCM) cho biết, thửa đất 340,4m2 hiện đang tranh chấp giữa ông và bà Nguyễn Thị Hồng Sương có nguồn gốc từ thửa đất có diện tích 3.040m2 do bà Nguyễn Thị Ninh (mẹ ông Châu đứng tên).
Năm 1961, mẹ ông Châu ký cho ông Nguyễn Văn Hồ (cha bà Sương) mướn đất với diện tích là 1.045m2.
Theo ông Châu trình bày, cuối năm 1975, gia đình ông yêu cầu gia đình ông Hồ trả lại phần đất nói trên để sử dụng, nhưng do ông Hồ nói là chưa thu xếp được chỗ ở nên xin ở tạm.
Sau đó một thời gian dài, gia đình ông Hồ vẫn không dời đi. Việc tranh chấp, cãi vã, thậm chí ẩu đả giữa 2 bên kéo dài và không được giải quyết triệt để nên diện tích đất trên hai bên vẫn song song khai thác, trong đó ông Hồ xây nhà trên thửa đất nói trên.
Khu nhà, đất đang tranh chấp.
Năm 1985, ông Hồ bán căn nhà xây trên diện tích đất 550m2 cho ông Mục, với điều kiện gia đình ông Mục chỉ được quyền ở không được quyền chuyển nhượng. Nếu chuyển nhượng phải có sự đồng ý của ông Châu.
Năm 1995, ông Châu bán thửa đất dưới căn nhà cho ông Mục. Diện tích còn lại sau khi bán cho ông Mục là 495m2.
Năm 2004, Nhà nước có chủ trương giải tỏa một phần diện tích đất là 198m2 để mở rộng đường Trường Chinh. Vì vậy diện tích đất gia đình ông Châu cho ông Hồ ở nhờ (đã bán 550m2, bị giải tỏa 198m2) chỉ còn lại 297m2 (chưa tính phần diện tích đất bờ kênh trồng cây).
Thời gian gần đây, bà Sương rao bán nhà trên đất đang ở nhờ khiến gia đình ông Châu vô cùng bất ngờ. Càng ngỡ ngàng hơn khi gia đình ông phát hiện, năm 2013, bà Nguyễn Thị Hồng Sương đã tự làm thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với diện tích còn lại nêu trên và đã được chính quyền quận 12 cấp GCNQSDĐ ở và nhà ở trên cho bà Nguyễn Thị Hồng Sương với diện tích 340,4m2, có sự chênh lệch 43,4m2 (từ 297m2 thành 340,4m2) do cộng thêm phần diện tích đất trồng cây và sai số trong quá trình đo đạc.
Nguy cơ mất trắng
Theo ông Châu, do bà Sương không kê khai, cố tình che dấu giấy tờ xác định nguồn gốc đất của bà đang sử dụng nên việc UBND quận 12 và UBND phường Tân Hưng Thuận chỉ căn cứ vào bản tường trình và cam kết một phía từ bà Sương để xác nhận nguồn gốc đất do ông Nguyễn Văn Hồ (bố bà Sương) quản lý sử dụng trước năm 1975 là không chính xác, thiếu tính khách quan.
Đơn kêu cứu của ông Lý Văn Châu.
Trong khi đó, tại biên bản hòa giải ngày 30/7/2009, tại UBND phường Tân Hưng Thuận do ông Khưu Công Thuận – PCT UBND phường chủ trì hòa giải đã có kết luận: “Hai bên thỏa thuận được với nhau: Nếu sau này bà Sương bán nhà và đất tại số nhà 1/23 Khu phố 6 tổ 29 phường Tân Hưng Thuận thì bà Sương sẽ qua thương lượng với ông Lý Văn Châu để bồi hoàn tiền đất theo giá cả lúc bán. Nếu hai bên không thương lượng được và bà Sương không bồi hoàn tiền cho ông Châu thì ông Châu, bà Sương có quyền khởi kiện”.
“Tại biên bản hòa giải, các bên đã xác định chủ đất là tôi và bên có nhà là bà Nguyễn Thị Hồng Sương. Vậy tại sao UBND quận 12 lại căn cứ vào chính Biên bản đó để coi là đất không có tranh chấp để cấp GCNQSD nhà đất cho bên chỉ có nhà là bà Nguyễn Thị Hồng Sương? Việc UBND quận 12 cấp GCN cho bà Sương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”, ông Châu bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng việc UBND quận 12 và UBND phường Tân Hưng Thuận biết rõ về nguồn gốc diện tích đất bà Nguyễn Hồng Sương kê khai để xin cấp GCNQSDĐ mà vẫn ký cấp GCN liệu có đúng quy định pháp luật?
Đề nghị các cơ quan chức năng quận 12 vào cuộc, xác minh làm rõ, có hay không những dấu hiệu sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Hồng Sương, cũng như trả lại lợi ích hợp pháp cho người dân.
theo CafeLand