Xây bến xe Yên Sở: Thiếu tầm nhìn hay còn lý do nào khác?

TS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Ðô thị Hà Nội (nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội) cho rằng, việc Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư bến xe khách liên tỉnh Yên Sở (Hoàng Mai) ngay vành đai 3 là thiếu tầm nhìn.

ến xe Yên Sở chỉ cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, lọt giữa khu đô thị. Ảnh: Phạm Thanh.

Tủn mủn

Như Tiền Phong đã đưa tin, UBNDTP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư Bến xe khách Yên Sở, chỉ cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, cách Bến xe Nước Ngầm hơn 1km. Hiện nút Pháp Vân - vành đai 3 đang là điểm nghẽn giao thông lớn của Hà Nội, đang phải tìm nguồn vốn để mở rộng, giảm ùn tắc.

TS Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện giao thông Thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần quyết, như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng bất cập... Do đó, theo ông Nghiêm, Hà Nội không nên chú trọng vào các giải pháp mang tính cục bộ, ngắn hạn. Ðặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 sẽ gây thêm ách tắc cho khu vực nội đô, đặc biệt nút giao Pháp Vân- vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. “Thêm bến xe mới ở vành đai 3 là không hợp lý, khi chúng ta đang muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô”, ông Nghiêm nói.

Trước đó, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Bến xe Yên Sở sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Còn cụ thể giảm ùn tắc ra sao, tổ chức giao thông ra vào bến xe thế nào, Hà Nội sẽ thực hiện sau khi bến xe xây dựng xong. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, đây là cách làm ngược của Hà Nội. Vì với giao thông, vị kiến trúc sư này cho rằng, phải tính tới các phương án tổ chức giao thông trước, sau đó mới đầu tư bến xe. Còn đầu tư bến xe xong mới tổ chức giao thông là cách làm cục bộ, thiếu tầm nhìn.

Thực tế, khi thấy bất cập trong quy hoạch bến xe, Hà Nội đã loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô (tương tự bến xe Yên Sở), gồm Bến xe Xuân Phương và Vân Trì. Năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng từng đề xuất xây dựng thêm Bến xe khách Khuyến Lương (Hoàng Mai), cách Bến xe Yên Sở khoảng 2km, cùng nằm trên đường vành đai 3.

Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất xây dựng, nhưng tất cả phải dừng lại vì không hợp lý, nguy cơ thêm ùn tắc giao thông. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển Bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô. Theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4. “Nhưng giờ Hà Nội lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen về ùn tắc giao thông rõ ràng không hợp lý",  ông Nghiêm nói.

Về quy hoạch, theo ông Nghiêm, dù Bến xe Yên Sở có trong quy hoạch, nhưng nếu quy hoạch không phù hợp thực tế pháp luật đều cho phép chỉnh sửa. “Chúng ta đã có quy hoạch, tầm nhìn đưa bến xe khách liên tỉnh ra khu vực vành đai 4 thì cứ theo đó làm. Nội đô nên đầu tư vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh, những thứ Hà Nội đang rất thiếu. Không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 nữa”, ông Nghiêm đề xuất.

Văn bản lạ cho doanh nghiệp lạ

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội về chủ trương đầu tư bến xe khách Yên Sở, bến xe này được giao cho Cty CP bến xe Thanh Trì (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ đầu tư (không thông qua đấu thầu). Công ty này được thành lập chỉ 6 tháng trước đó (tháng 7/2016). Ðiều đáng nói, dù ngày 14/10/2016, Cty CP bến xe Thanh Trì mới có văn bản đề nghị thực hiện dự án bến xe Yên Sở, nhưng Sở GTVT đã có văn bản cho ý kiến thẩm định dự án từ ngày 3/10/2016. Như vậy, ý kiến thẩm định của Sở GTVT Hà Nội có trước khi nhà đầu tư ký nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án.

Ngoài ra, dù là bến xe khách tạm, nhưng Hà Nội lại cấp phép cho hoạt động trong 50 năm. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn lý giải, cấp phép dài hạn như vậy vì chưa biết khi nào bến xe khu vực vành đai 4 được xây dựng. Ông Tuấn cam kết, khi nào bến xe khách phía Nam mới được xây dựng ở khu vực vành đai 4, các bến xe khu vực nội đô (bao gồm cả bến xe Yên Sở) sẽ dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh để chuyển ra bến xe mới.

“Sẽ không có chuyện bến xe Yên Sở vẫn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, còn các bến xe khách phải di chuyển”, ông Tuấn khẳng định. Tuy nhiên, trong Ðồ án Quy hoạch bến xe Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội lại xác định rõ thời gian di chuyển các bến xe hiện tại về bến xe vành đai 4, còn Bến xe Yên Sở không rõ thời gian chuyển.

Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh đi các tỉnh phía Nam Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng với việc xây Bến xe Yên Sở. Theo các doanh nghiệp, sau vài năm điều chuyển khỏi Bến xe Mỹ Ðình, hành khách dần quen, việc kinh doanh mới khôi phục. Giờ lại chuyển tiếp về Bến xe Yên Sở, chẳng khác nào doanh nghiệp bị đẩy vào con đường phá sản.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất