Xử lý 132 nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng: Khó cũng quyết làm

Mỗi đợt chất vấn HĐND TP Hà Nội, các công trình "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng trước năm 2015 lại tái diễn điệp khúc "khó".

Vì khó, nên số lượng nợ dài hạn xử lý vẫn ở ngưỡng cao với 132 trường hợp mỏng, méo. Đi thẳng vào phương án xử lý dứt điểm, Hà Nội vừa phát đi thông tin đồng ý thu hồi các công trình "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng quá lâu. Thông điệp kiên quyết “trảm” các dạng nhà kỳ dị từ quý I/2018 có vẻ đang được Sở Xây dựng thực hiện mạnh mẽ.

Mắc vì luật?

Công tác xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" phát sinh mới đã khó, triệu tiêu các trường hợp tồn đọng dai dẳng còn… khó hơn. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, trước thời điểm 2015, toàn TP có trên 300 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Sau nhiều năm phối hợp xử lý, tính đến đầu tháng 6/2017, đã “thanh lý” được 160 công trình.
 
Đồng nghĩa, các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ giảm còn 132 trường hợp. Trong đó, không ít công trình thuộc dạng “khó” nằm ở các quận Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ.
 
 Nhà mỏng, méo trên đường Võ Chi Công.  Ảnh: Hải Linh
 
Điểm chung của 132 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" là đều nằm ngoài chỉ giới mở đường, tồn tại trước 15/3/2005 tới nay. Tức là được “khai sinh” trước khi có Luật Xây dựng và quy định của TP về không cho phép xây nhà mỏng, méo. Các hộ dân đã sinh sống, mưu sinh trong thời gian dài, ổn định, khó giải quyết...
 
Về hướng xử lý, tại địa bàn các quận còn tồn động đã đề xuất TP bố trí nguồn ngân sách để thu hồi. Ngoài ra, cũng đề ra phương án xử lý một số trường hợp theo hướng hợp khối kiến trúc (không hợp thửa đất) với điều kiện đảm bảo kiến trúc mặt ngoài liền khối, thống nhất về hình thức, màu sắc, không nhìn thấy cạnh "siêu mỏng, siêu méo".
 
Thêm một lý do quan trọng nữa, là bản thân các hộ dân nói trên đã từng chịu thiệt thòi khi Nhà nước thu hồi đất để mở đường. Nay nếu lại thu hồi tiếp, thành ra người dân quá thiệt vì bị thu hồi đất tới 2 lần trên cùng một thửa.
 
Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chủ trương hợp khối cũng rất khó. Khi GPMB các hộ xin thỏa thuận hợp khối, GPMB xong không thể hợp khối được vì các hộ quay ra ép giá nhau, chính quyền vì thế lúng túng quản lý. Thế mới có câu chuyện bi hài “bức tường 1,7m2" có giá... 1 tỷ đồng.
 
“Hà Nội kiên quyết cho thu hồi các trường hợp siêu mỏng, méo không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng trước năm 2005 là điều kiện cần để triệt tiêu các dạng công trình gây phản cảm lâu dài này. Người dân có công trình dưới 15m2 này buộc phải đưa ra lựa chọn: Đàm phán, thỏa thuận giá hợp lý (không đòi giá trên trời) với hộ liền kề để hợp khối hoặc bị Nhà nước thu hồi với giá rẻ hơn rất nhiều. Khi quyền lợi được đưa lên bàn cân, các hộ dân chắc chắn sẽ thiên về giải pháp ít thiệt thòi nhất” – GS Đặng Hùng Võ phân tích.
 
Đại diện lãnh đạo các quận tồn tại công trình mỏng, méo cho hay, khi TP đồng ý thông qua cho thu hồi các diện tích đất, nhà có kích thước hình học không phù hợp, chính quyền sẽ xử lý dứt điểm được nạn nhà "siêu mỏng, siêu méo". Tuy nhiên, cần có cơ sở pháp lý vững chắc để thu hồi đất ngoài chỉ giới, nếu không sẽ phát sinh khiếu kiện. Cùng với đó, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Diện tích đất còn lại rất ít, có khi vài mét vuông, số tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư. Việc này phải tính kỹ vì không có chỗ ở mới thì không thể GPMB được.

… gỡ từ luật

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phân tích, việc không chấp thuận nhà "siêu mỏng, siêu méo" và các giải pháp khác đã đặt ra từ năm 1998 sau quy hoạch chung. Đồng thời, có những giải pháp như khi mở đường phải mở đất ra hai bên đường và diện tích không phù hợp với "siêu mỏng, siêu méo" phải có giải pháp phù hợp với thiết kế đô thị.
 
Đặc biệt, trong Luật Thủ đô đã giao đặc thù cho chính quyền Nhân dân TP Hà Nội là mở đường mới dứt khoát lấy hai bên đường để không hình thành mỏng, méo. Trước năm 2013 đã có những giải pháp nhưng vẫn còn một số tuyến đường xảy ra hiện tượng nhà "siêu mỏng, siêu méo".
 
Thậm chí, đã có đề xuất Sở Xây dựng phối hợp với Hội Kiến trúc, Hội Quy hoạch tổ chức chuyên gia giúp người dân kết nối mặt đứng các công trình "siêu mỏng, siêu méo" để tạo thành thể hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn khó khăn vì trước đó chưa có Luật Thủ đô và nguồn lực thực hiện hạn chế.
 
“Hà Nội kiên quyết thu hồi các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng trước năm 2005 thể hiện sự quyết liệt của chính quyền TP. Được xem như một động thái tái khởi động lại các giải pháp trước đây và cụ thể hoá thực hiện Luật Thủ đô.
 
Đây là việc khó nhưng kiên quyết phải làm. Có quyết tâm, có chỉ đạo quyết liệt thì không có việc gì không làm được. Nhưng vấn đề đặt ra cần lưu tâm ở chỗ: Thu hồi để xây dựng mục đích công cộng cần làm rõ cho mục đích gì? Bởi, làm ki ốt bán hàng càng áp lực giao thông. Ngoài ra các giải pháp làm bảng tin, vườn hoa nhỏ cũng cần nghiên cứu thấu đáo. Hiểu đơn giản, cùng việc thu hồi phải có giải pháp khai thác hiệu quả đất thu hồi phù hợp với từng vị trí chứ không chỉ chung chung là phục vụ công cộng rồi lại biến thành dịch vụ thương mại” – ông Nghiêm nhấn mạnh.
 
"Ở góc độ quản lý, Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo". Với trường hợp có diện tích từ 10 - 15m2, quy mô từ 2 tầng và trên cùng một tuyến ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề (chỉnh trang hợp khối kiến trúc) hoặc cấp phép có điều kiện. Riêng nhà lớn hơn 4m2, nhỏ hơn 10m2, quy mô 3 tầng: hạ độ cao còn 1 tầng. Trường hợp diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2, hiện trạng là nhà 1 tầng: Cho chỉnh trang giữ nguyên trạng tạm thời. Còn các căn hộ “mỏng, méo” dưới 4m2: Xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng." - Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất