Mặc dù dự án làng nghề Mai Hương tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) được kỳ vọng sẽ là cú "hích" trong phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, chủ đầu tư đã “phù phép” “hô biến” thành khu đô thị…
Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Bầu Trời (Sàn bất động sản SKYLAND được cho là đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền dự án này. Ảnh: Báo giao thông
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, năm 2014, dự án xây dựng làng nghề Mai Hương được Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội với mục tiêu giải quyết nhu cầu đất sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp nhẹ như: Dệt may, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí chế tạo, tiểu thủ công nghiệp; đưa nghề đồ gỗ mỹ nghệ đạt chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn... Quy mô dự án là 27ha, trong đó giai đoạn 1 là 9,9ha; tổng số vốn đầu tư gần 277,5 tỉ đồng, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, tại địa bàn 2 xã Mai Đình và Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).
Tuy nhiên, khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cũng như chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, thì chủ đầu tư dự án đã vội vàng phân lô, bán nền, “phù phép”, “hô biến” dự án xây dựng làng nghề thành một khu đô thị.
Theo nhiều thông tin, tài liệu thể hiện, thời điểm năm 2019, công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Bầu Trời (Sàn bất động sản SKYLAND - PV) được cho là đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền dự án, lúc này các nhân viên tư vấn luôn “nổ” rằng, có hàng trăm lô đất người mua thoải mái lựa chọn. Không những thế, nếu mua đất ở đây thì 3 tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ với thời hạn 49 năm. Hết thời hạn thì Nhà nước không thể giải tỏa được vì tài sản trên đất rất nhiều và lúc đó người mua đất chỉ phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất khoảng 200 nghìn đồng một năm là tiếp tục được sinh sống(?!).
Tin theo lời mời gọi quảng cáo “đường mật”, hàng chục hộ dân đã nộp tiền mua đất tại dự án này. Theo số liệu từ Kết luận thanh tra số 1850/KL-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, thì hiện có 31 hộ dân nộp tiền nhận 50 lô đất với tổng diện tích 4.083,8m2. Trong đó, tổng số tiền các hộ đã nộp cho nhà đầu tư là 8.491.389.900 đồng.
Tại sao chính quyền địa phương lại để doanh nghiệp "lòe" người dân và khách mua đất như là dự án một khu dân cư? Ảnh: Báo giao thông
Vậy, nguyên nhân do đâu mà hàng chục hộ dân dễ dàng bị “lòe” để mua đất dự án này? Theo tìm hiểu, ngày 31/10/2014, ông Phạm Giang - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang ký quyết định số 160/QĐ-SXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề Mai Hương tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 27,6ha. Trong đó, chia ra làm 14 loại đất như khu xưởng sản xuất mộc, cơ khí, sơ chế gỗ, đất cây xanh và đất giao thông, vỉa hè... với mật độ xây dựng tối đa từ 30 - 70%; tầng cao từ 2 đến 3,5 và cao nhất là 5 tầng.
Tuy nhiên, 2 năm sau, ngày 10/8/2016, ông Giang ký tiếp văn bản số 253/QĐ-SXD điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại dự án này trên cơ sở căn cứ của UBND huyện Hiệp Hòa và của Chủ đầu tư dự án. Điều đáng nói, sau điều chỉnh thì diện tích đất công công, đất giao thông, vỉa hè đã giảm đi rất nhiều để tăng diện tích đất thương mại, dịch vụ.
Cụ thể, khu xưởng sản xuất mộc từ 46.613m2 tăng lên 54.540m2; khu trưng bày, kinh doanh từ 36.253m2 tăng lên 64.040m2; khu sản xuất cơ khí từ 11.776m2 tăng lên 12.820m2. Một số loại đất khác giảm đi như đất giao thông, vỉa hè từ 93.425m2 giảm xuống còn 88.771m2; khu bãi đỗ xe từ 4.710 giảm xuống còn 2.189m2; khu sơ chế gỗ từ 12.603m2 giảm xuống còn 5.886m2 và một số loại đất khác.
Trước việc điều chỉnh quy hoạch như trên, một số người dân cho rằng việc giảm các diện tích đất công cộng, giao thông sau điều chỉnh là "mánh khóe" để Chủ đầu tư tạo ra thêm được nhiều lô đất để bán.
Ngay trong Kết luận thanh tra số 1850/KL-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã nêu cụ thể, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về Giám đốc các Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm giai đoạn 2015-2018. Đặc biệt, Giám đốc Sở Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án với các lô đất có diện tích phổ biến từ 70 đến 80m2, chiều cao tầng từ 3,5 đến 4 tầng như các dự án hạ tầng dân cư làm cho người dân hiểu lầm đây là dự án phân lô bán nền.
Nhận định về việc chủ đầu tư ngang nhiên “làm càn”, “hô biến” dự án xây dựng làng nghề Mai Hương thành một khu đô thị, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) từng bức xúc, vụ việc cho thấy sự yếu kém, tắc trách trong quản lý Nhà nước tại địa phương, nhất là ở cấp xã, huyện. Đây là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề, vậy tại sao chính quyền địa phương lại để doanh nghiệp "lòe" người dân và khách mua đất như là dự án một khu dân cư?
theo CafeLand