Bến Tre vẫn trăn trở với bài toán quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, bởi vốn ngân sách không có để đền bù giải phóng toàn bộ mặt bằng cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch.
Chế biến sản phẩm dừa tại cụm công nghiệp Phong Nẫm
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đến năm 2020, Bến Tre có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 432 ha.
Đến nay, có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích trên 347 ha, có 09 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 337 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp trên 243 ha, đã cho thuê gần 83 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 34% diện tích đất công nghiệp. Có 04 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Phong Nẫm, cụm công nghiệp Thị trấn Ba Tri, cụm công nghiệp Long Phước, cụm công nghiệp Tân Thành Bình) đã đầu tư và đi vào hoạt động. Có 13/23 doanh nghiệp đi vào hoạt động ở các cụm công nghiệp.
Các cụm công nghiệp thu hút được 23 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.372 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh Bến Tre luôn quan tâm việc đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, tổng vốn đã đầu tư cho các cụm công nghiệp đã vào khoảng 2.926,9 tỷ đồng, trong đó vốn thu hút từ doanh nghiệp hơn 2.491,6 tỷ đồng. Do nguồn ngân sách có hạn nên tỉnh chỉ có thể cân đối, phân bổ vốn cho một số cụm công nghiệp có nhu cầu về đầu tư.
Vốn ngân sách không có để đền bù giải phóng toàn bộ mặt bằng cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, một số huyện trên địa bàn cũng đã tự cân đối nguồn ngân sách để lập quy hoạch chi tiết, đầu tư một số hạng mục cần thiết cho các cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư thứ cấp.
Vướng mắc lớn nhất của tỉnh trong thời gian qua, đó là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước dẫn đến giá đền bù giải phóng mặt bằng cao, dẫn đến thời gian giải phóng mặt bằng, giao đất cho doanh nghiệp chậm.
Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp đã quy hoạch có vị trí gần khu đô thị, khu dân cư, xa vùng nguyên liệu, hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho rằng, nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng cụm công nghiệp xã hội hóa khó thu hút đầu tư vì chi phí giải phóng mặt bằng cao, trong khi giá cho thuê đất còn thấp.
Theo đề xuất của Sở Công thương Bến Tre, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đảm bảo nhu cầu diện tích, mặt bằng sạch nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Đồng thời kiên quyết di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vào cụm công nghiệp, góp phần lấp đầy cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện cơ chế tài chính theo hình thức “Nhà nước và Nhà đầu tư cùng làm”, ngân sách nhà nước sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kết nối, ứng vốn giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để mời gọi, chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư cơ sở hạ tâng cụm công nghiệp và phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Nguồn vốn tạm ứng sẽ được thu hồi từ cho thuê quyền sử dụng đất sau khi trừ thời gian ưu đãi đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đẩt để đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch và xây dựng lộ trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào tại các cụm công nghiệp. Điều chỉnh giá đất theo từng thời điểm phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp…
Ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, trong xu hướng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tới đây, Bến Tre sẽ có rất nhiều triển vọng, nếu để lỡ mất thì thời cơ sẽ khó quay lại. Tuy nhiên, việc mời gọi đầu tư cũng cần phải có chọn lọc, đảm bảo các yếu tố về công nghệ, môi trường và phù hợp với từng cụm công nghiệp trên từng địa bàn. Theo ông Nguyễn Hữu Lập, mỗi huyện phải phấn đấu có một cụm công nghiệp, và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Đối với các huyện đã có cụm công nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện đầu tư hạ tầng, giải quyết các vấn đề môi trường nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
theo CafeLand