Không chỉ riêng TP Đà Nẵng, loại hình nhà ở xã hội tại các địa phương trên cả nước đang tồn tại nhiều bất cập khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”.
Thanh tra TP Đà Nẵng vừa công bố sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ nhà ở xã hội An Trung 2 liên quan đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng): “Loại hình nhà ở xã hội đang tồn tại tại các địa phương còn rất kém và dậm chân tại chỗ”.
“Vô tư” cấp sai đối tượng
Ngày 25/12, Thanh tra TP Đà Nẵng đã có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2.
Kết quả kiểm tra hồ sơ xét duyệt tại Liên doanh DMC - 579 (chủ đầu tư) trong 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội, có 43 trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Sau khi đoàn thanh tra có văn bản gửi kèm theo danh sách đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng rà soát và xác nhận đối với 553 trường hợp có hồ sơ xin mua căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội.
Qua kết quả kiểm tra, đối chiếu đối với 324 trường hợp được duyệt mua nhà ở xã hội thể hiện: có 24 trường hợp có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 thửa đất trở lên, 42 trường hợp có 1 thửa đất.
Qua đối chiếu xác minh về thuế thu nhập cá nhân, Thanh tra TP Đà Nẵng phát hiện có 208 trường hợp có mã số thuế, Cục thuế TP.Đà Nẵng xác nhận có 95 trường hợp có thu nhập cao. Trong đó có 52 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân (32 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân cả 2 năm 2017 – 2018; 7 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2017; 13 trường hợp chịu thuế năm 2018).
Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Công an TP Đà Nẵng rà soát, xác minh 15 trường hợp đang công tác tại đơn vị thuộc Công an TP.Đà Nẵng, kết quả có 2 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2018, 13 trường hợp không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Quy trình xét duyệt có vấn đề?
Một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho biết, bất cập về sai đối tượng nhà ở xã hội ở đây không chỉ liên quan trong khâu xét duyệt mà còn mang tính thời điểm.
Ví dụ đơn cử tại dự án nhà ở xã hội An Trung 2, TP Đà Nẵng: “Từ khâu xét duyệt hồ sơ cho đến khi nhận nhà để ở, hầu hết các đối tượng được xét duyệt phải chờ đợi trong khoảng thời gian từ 5-7 năm. Với chừng đó khoảng thời gian, việc thay đổi chất lượng cuộc sống là việc hiển nhiên. Do đó, Thanh tra TP phải chỉ rõ được những sai phạm mang tính thời điểm. Nếu tại thời điểm xét duyệt hồ sơ phát hiện sai phạm trong kê khai phải xử lý nghiêm để nhường cơ hội cho những đối tượng có nhu cầu thực sự”.
Luật sư Phạm Văn Thanh - Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh cho biết, theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở, hiện chỉ có 10 đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, tuy nhiên 10 đối tượng này không đương nhiên được sở hữu nhà ở xã hội mà chỉ được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, và để chứng minh được các điều kiện này cần có sự xác nhận của các tổ chức, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài ra, sau khi được mua nhà ở xã hội, người mua còn bị hạn chế về quyền định đoạt nhà ở.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, loại hình nhà ở xã hội giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) đang thiếu nghiêm trọng và cần sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự góp sức của các doanh nghiệp.
Việc Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ ra loạt sai phạm trong việc xác minh đối tượng hưởng nhà ở xã hội thực sự đã chỉ rõ trách nhiệm không chỉ của quyền TP Đà Nẵng mà còn thuộc về UBND các xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...
Trong đó, việc xác nhận không có cơ sở về tình trạng nhà ở và thu nhập cá nhân cho đối tượng mua nhà ở xã hội hiện nay không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn là bài học cho các địa phương khác trên cả nước.
theo CafeLand