Nghề môi giới bất động sản không còn “dễ ăn”

Alomuabannhadat – Làm môi giới bất động sản rất khó trụ được lâu ở một công ty, nhiều khi chỉ sau một dự án là phải nhảy công ty khác. Nhiều người bỏ cuộc chơi do áp lực đào thải của nghề này quả lớn.

Nghề môi giới bất động sản cạnh tranh khốc liệt

Đó là chia sẻ của anh Quân, một môi giới bất động sản tại khu vực quận 9, TP.HCM.

Cạnh tranh khốc liệt

Quân cho biết, trong gần 10 năm lăn lộn với nghề môi giới bất động sản, mười ngón tay không đủ để đếm hết những công ty và sàn môi giới mà anh đã đi qua. Công ty anh trụ lại lâu nhất cũng chỉ khoảng ba năm. Hiện tại, Quân là một môi giới tự do.

“Đặc thù của ngành này là vậy, công ty nào có giỏ hàng phong phú, nhiều khách hàng quan tâm thì nhảy vào làm. Gắn bó một chỗ mà không có hàng bán, chỉ sống dựa vào đồng lương căn bản thì sao mà tồn tại được”, Quân nói.

Quân chia sẻ, nhiều môi giới kinh nghiệm lâu năm, tích lũy được chút vốn liếng, mối quan hệ thì ra mở công ty riêng, ôm mộng khởi nghiệp. Một số khác không chịu được sự gò bó, quy định cứng nhắc, áp lực doanh số của môi trường doanh nghiệp thì ra để làm môi giới tự do để thoải mái thời gian hơn.

Tuy nhiên, dù chọn hướng nào thì không phải ai cũng đạt được thành quả mong muốn, nhất là trong bối cảnh thị trường có quá nhiều khó khăn như hiện nay.

Không ít công ty môi giới non trẻ chỉ hoạt động được vài tháng là đóng cửa do lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, chưa đủ trình độ quản lý, không lường trước được những khó khăn của một thị trường liên tục biến động.

Nhiều môi giới ra làm việc tự do cũng sớm vỡ mộng vì không thể xoay xở được nguồn hàng đành quay đầu xin trở lại công ty hoặc bỏ nghề.

Trong buổi mở bán dự án của một chủ đầu tư khá nổi tiếng tại TP.HCM mới đây, trong khi chỉ có khoảng 300 khách hàng tham dự thì số môi giới lại đông gấp đôi.

Thậm chí, nhiều môi giới dù khoác trên mình những bộ vest sang trọng, tóc tai chải chuốt cẩn thận nhưng chỉ đứng tụ tập bên ngoài cửa, không được vào trong hội trường dự lễ mở bán.

Một môi giới cho biết, lý do là họ không tìm kiếm được khách hàng nên phải đứng ngoài. Thông thường trước những buổi mở bán môi giới phải có khách hàng và đăng ký trước. Còn nếu không thì cũng phải xuất hiện ở buổi mở bán với hy vọng may mắn tìm kiếm được những khách hàng “đi lạc”.

Không còn là màu hồng

Hải Yến, một nữ môi giới bất động sản, cho biết những năm trước đây, môi giới bất động sản trở thành nghề “hot” khiến ai cũng muốn nhảy vào với viễn cảnh thu nhập cao ngất ngưởng. Bản thân nữ môi giới này cũng đã có những ngày tháng rất “hạnh phúc” với nghề, bởi ngoài khoản thu nhập trong mơ thì nghề này còn mang đến những trải nghiệm thú vị.

Thế nhưng, chỉ những ai bước chân vào mới thấu hiểu đây không phải nghề chỉ toàn màu hồng. Đặc biệt, những thời điểm thị trường khó khăn, môi giới bất động sản gặp không ít những thách thức để tồn tại với nghề.

Nếu như trước đây dự án mới liên tục xuất hiện, sản phẩm phong phú từ phân khúc cao cấp đến bình dân, thì trong năm 2019 nguồn cung ra thị trường chỉ nhỏ giọt.

Hải Yến lấy ví dụ, tại quận 9, dự án được trong đợi nhất năm qua của một tập đoàn lớn với quy mô 10.000 căn hộ. Tuy nhiên, số lượng môi giới tham gia phân phối dự án này còn nhiều hơn cả tổng số sản phẩm mà dự án có. Đó là chưa kể, để chuẩn bị cho dự án này, rất nhiều môi giới đã phải chạy đà từ nhiều năm trước đó.

Việc khan hiếm nguồn cung buộc môi giới phải linh động, không còn “kén chọn” như trước. Nếu trước đây chỉ phân phối sản phẩm căn hộ thì nay đã phải mở rộng giỏ hàng sang các phân khúc khác như đất nền, nhà phố, văn phòng cho thuê.

Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của môi giới cũng không giới hạn tại TP.HCM mà còn lan rộng ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Thậm chí những thị trường xa hơn là Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước. Nhiều môi giới buộc chấp nhận cắm chốt tại địa bàn để giảm bớt thời gian đi lại mệt mỏi và tốn kém.

“Việc phải chạy thị trường ở các tỉnh rất vất vả. Nhiều bạn nam còn chịu được chứ nữ thì rất khó để duy trì nhất là đối với những người đã lập gia đình, có con nhỏ”, Hải Yến chia sẻ.

Nguồn cung dự án giảm, hoạt động khó khăn, thu nhập lao dốc so với trước nhưng môi giới vẫn phải cắn răng bỏ chi phí dành để quảng cáo, makerting giới thiệu dự án, tìm kiếm khách hàng. Mức độ cạnh tranh càng lớn thì càng phải đầu tư nhiều kênh quảng bá song không phải kênh nào cũng mang lại hiệu quả.

Bên cạnh những khó khăn trên, nghề môi giới trong năm 2019 còn chịu những cú sốc lớn. Hàng loạt vụ lừa đảo đất nền, vẽ dự án ma bị cơ quan chức năng phanh phui. Điển hình nhất là hiện tượng Alibaba. Những vụ việc này đã phần nào bóp méo hình ảnh của những người làm nghề môi giới chân chính.

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, tình hình khó khăn của thị trường bất động sản sẽ có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2020. Đây là một thách thức không chỉ cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản mà còn tác động đến hàng ngàn môi giới đang theo đuổi lĩnh vực này.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất