Không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn lớn đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ không lương từ 60%-90% nhân lực.
Trước đợt dịch bùng phát trở lại, Tổng cục Du lịch và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình kích cầu trong nước và ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 tại Việt Nam từ thành phố Đà Nẵng - trung tâm du lịch lớn của cả nước, ngành du lịch lại chịu những tác động tiêu cực mới, có thể sẽ nặng nề và lâu dài hơn.
Được biết, lượng khách hủy tour chiếm 95-100% trong tháng 7 và tháng 8, là hai tháng cao điểm của du lịch nội địa Việt Nam. Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế vẫn đang tiếp tục "đóng băng" khiến cho hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa bị ngưng trệ.
Với diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 từ thành phố Đà Nẵng ngành du lịch lại chịu những tác động tiêu cực mới, có thể sẽ nặng nề và lâu dài hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tình hình kinh doanh khó khăn khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động trực tiếp trong ngành du lịch và gián tiếp bị mất việc làm. Không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn lớn đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ không lương từ 60%-90% nhân lực.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Mr Linh’s Adventures cho biết, nhân sự du lịch giờ một phần đã đi mất hoặc đổi nghề vì không có việc làm, cụ thể Công ty Mr Linh’s Adventures cũng đã có những nhân sự không làm du lịch nữa mà phải kiếm nghề khác vì không có việc làm.
"Mr Linh’s Adventures là công ty chuyên về Inbound, hơn 6 tháng qua chúng tôi phải hoạt động cầm chừng. Công ty đang cho nhân viên nghỉ ở nhà đối với những bạn yêu nghề và muốn bám nghề trong thời gian tới (Công ty hỗ trợ 30% lương + BHXH). Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành lập thêm công ty chuyên về đặc sản hữu cơ cho nhân viên tham gia để tạo thêm việc làm với kỳ vọng kết hợp với sản phẩm du lịch bền vững tại các địa phương và mô hình du lịch sinh thái, sau này khi khách nước ngoài trở lại Việt Nam có thể kết hợp việc đi du lịch và trải nghiệm tại các nông trại Organic… Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chọn con đường khác vì lương không đủ chi trả cho cuộc sống và cũng một phần nản vì không biết khi nào mới có khách quay lại Việt Nam", ông Linh chia sẻ.
Tổng cục Du lịch cần có những hướng dẫn cụ thể và định hướng kích cầu du lịch hoặc các chương trình xúc tiến cụ thể trong thời gian tới.
Tổng Cục Du lịch nhận định, nhiều doanh nghiệp du lịch tập trung vào những kế hoạch duy trì hoạt động, nghiên cứu xây dựng và làm mới sản phẩm chuẩn bị cho việc đón khách trở lại. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch và phương hướng phục hồi sau mùa dịch.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Mr Linh’s Adventures cho rằng, Tổng cục Du lịch cần có những hướng dẫn cụ thể và định hướng kích cầu du lịch hoặc các chương trình xúc tiến cụ thể trong thời gian tới, cụ thể cuối năm 2020 và năm 2021 để các doanh nghiệp biết được tình hình triển vọng của ngành trong tương lai.
"Nên mở cửa các điểm du lịch trở lại càng sớm càng tốt, giờ phải xác định sống chung với dịch và duy trì những biện pháp an toàn song song. Bên cạnh đó, sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới giảm, có vaccine nếu Việt Nam đón khách nước ngoài trở lại thì có thể sử dụng tiêu chí mở cửa đón khách toàn cầu và ưu tiên người nào có chứng nhận đã hoàn thành chương trình tiêm vaccine COVID-19 là cho nhập cảnh", ông Linh kiến nghị.
theo CafeLand