Hơn 4 năm nay, Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã đi vào hoạt động nhưng câu chuyện di dời hộ dân bị ảnh hưởng vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Thực trạng này đang khiến hàng trăm sinh mạng người dân nơi đây đang gặp cảnh “đi không được, ở không xong” vì vướng các văn bản “lệch pha” nhau từ Bộ ngành TW đến địa phương.
Hàng trăm hộ dân ở gần Nhà máy xi măng Sông Lam vẫn mòn mỏi chờ di dời
“Đi không được, ở không xong”
Đây là tâm sự của gần 160 hộ dân xóm Đô Sơn, xóm 1… của xã Bài Sơn, huyện Đô Lương về tình trạng phải sống chung với ô nhiễm từ nhà máy xi măng sông Lam hơn 4 năm nay.
Được biết, khoảng cách an toàn dân sinh của người dân với Nhà máy Xi măng Sông Lam là 900m tính từ lò nung và 600m tính từ bờ rào nhà máy. Trong khoảng cách này, có 158 hộ dân sinh sống, đặc biệt có 6 hộ dân tại xóm 1, xã Bài Sơn nằm sát cạnh nhà máy với khoảng cách hơn 100m, họ đều mong muốn được di dời càng sớm càng tốt.
“Khi nhà máy bắt đầu vào hoạt động, tiếng ồn, bụi bặm ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc. Máy nghiền đá, xe tải đổ vật liệu ồn ào từ 5 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau là màn “tra tấn” với những gia đình ở gần hàng rào nhà máy này bấy lâu nay” – một người dân sinh sống ở xóm 1, xã Bài Sơn phản ánh.
Còn tại xóm Đô Sơn, nhiều hộ ở gần hàng rào nhà máy cho rằng, lâu nay nhà ở của họ thấp hơn cốt nền của nhà máy nên ngoài ảnh hưởng bụi bặm thì còn bị nguồn nước cuốn theo bao nhiêu thứ từ trên nhà máy chảy xuống vào khu đất gia đình mỗi khi trời mưa to.
Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà dân sinh sống đối diện với nhà máy luôn bị ô nhiễm bởi bụi từ xe ô tô trọng tải lớn vào ra, tung hoành ngang dọc trước mặt.
Người dân địa phương cho biết, từ khi có nhà máy xi măng sông Lam đi vào hoạt động thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn.
Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chính quyền các cấp, người dân sinh sống sát cạnh nhà máy xi măng sông Lam đã nêu kiến nghị về việc sớm trả lại cuộc sống vốn dĩ yên bình cho họ bằng cách đưa ra giải pháp tái định cư đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, suốt hơn 4 năm qua, câu chuyện có bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng bởi tác động từ nhà máy xi măng sông Lam phải di dời thì ngay cả cấp tỉnh đến Bộ ngành TW vẫn đang loay hoay, chưa thể “chốt” được phương án cuối cùng.
Chính vì vậy, thực trạng “đi dở, ở không xong” đối với hàng trăm hộ dân sinh sống sát bờ rào nhà máy xi măng sông Lam đến nay vẫn chưa thể chấm dứt được.
Các cơ quan chức năng loay hoay xử lý số liệu
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng nhà máy xi măng sông Lam của Công ty CP Xi măng sông Lam (thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/1 ngày.
Mỗi năm, nhà máy sẽ cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Năm 2016, dự án đầu tư xây dựng hà máy xi măng sông Lam tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương đi vào hoạt động. Và cũng từ đó hàng trăm hộ dân sống xung quanh nhà máy phải hứng chịu những tác động của môi trường. Đến thời điểm này, nhiều người mong muốn được di dời, tái định cư nhưng vẫn phải sống mòn mỏi chờ đợi.
Để chuẩn bị cho tái định cư những hộ dân xã Bài Sơn bị ảnh hưởng bởi nahf máy xi măng sông Lam, vào ngày 16/8/2019, UBND huyện Đô Lương đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Nghệ An để xin ý kiến chỉ đạo liên quan đến phương án di dời một số hộ dân gần ranh giới nhà máy do không đảm bảo an toàn. Theo như hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt thì có 12 hộ dân tính từ hàng rào nhà máy xi măng sông Lam sẽ di dời.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thực tế, lãnh đạo chính quyền xã Bài Sơn cho rằng thực tế có đến 158 hộ.
Và, chính quyền địa phương cũng mong muốn các cơ quan chức năng cùng với tỉnh, huyện, xã và người dân căn cứ vào tình hình thực tế tác động môi trường của nhà máy để xác định những hộ cần di dời. Bởi trước đây, khi đánh giá tác động môi trường, có những số liệu lấy từ khi nhà máy xi măng Đô Lương cũ, công suất nhỏ hơn chỉ có 12 hộ cần di dời, nhưng danh sách cụ thể 12 hộ đó hiện cũng không còn. Trong danh sách có 158 hộ và 136 thửa đất bị ảnh hưởng tính từ ống khói 900m, từ bờ rào 600m, đọc kỹ trong trong hồ sơ ĐTM thì phạm vi đó quy định trong trường hợp có sự cố xảy ra khi nhà máy hoạt động.
Chính vì vậy, ngày 24/2/2020, UBND xã Bài Sơn đã báo cáo với UBND huyện Đô Lương về vấn đề các hộ dân cần di dời trong đó có nội dung: “Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ tại địa phương không phản ánh cụ thể danh sách các hộ nằm trong phạm vị ảnh hưởng bởi đánh giá tác động môi trường của nhà máy xi măng sông Lam.
Do vậy, UBND xã Bài Sơn không có căn cứ để lập danh sách cụ thể 12 hộ nằm trong phạm vi bán kính 600m kể từ tường rào nhà máy”.
Được biết, cũng trong ngày 24/2/2020, Bộ TN&MT đã có Công văn số 14 Thông báo kết luận của ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT tại buổi làm việc liên quan đến công tác báo vệ môi trường của nhà máy Xi măng sông Lam vào ngày 12/2/2020.
Theo đó, nội dung của công văn nêu rõ: “Đề nghị Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đôn đốc, yêu cầu công ty CP Xi măng sông Lam khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân trong khu vực xung quanh nhà máy như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt tại Quyết định số 297/QĐ-BTNMT ngày 4/2/2016”.
Mới đây, ngày 26/2/2020, UBND huyện Đô Lương cũng đã có báo cáo khái toán di dời tái định cư cho 12 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng môi trường do hoạt động của nhà máy xi măng sông Lam theo báo cáo ĐTM để gửi Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An.
Vì trước đó, UBND huyện Đô Lương đã gửi công văn yêu cầu xã Bài Sơn rà soát, lập danh sách cụ thể tên và các thông tin liên quan đến 12 hộ dân nằm trong phạm vi di dời theo báo cáo ĐTM nhưng xã Bài Sơn trả lời không lập được danh sách 12 hộ dân do hồ sơ lưu trữ không đầy đủ. Vậy, UBND huyện Đô Lương báo cáo để Chi cục Bảo vệ môi trường được biết và cho ý kiến chỉ đạo.
theo CafeLand