Cần áp dụng các biện pháp mạnh như công khai danh tính, xử lý kỷ luật, thậm chí đưa ra pháp luật với các cựu quan chức bị nhắc nhở nhưng vẫn không trả nhà công vụ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã gửi thông báo từ 2-3 lần nhưng các cựu quan chức này vẫn chưa chịu trả nhà. Sau khi báo chí đăng thông tin, họ mới liên hệ Bộ Xây dựng để xin trả lại.
Ai được ở nhà công vụ?
Theo Bộ Xây dựng, tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280 m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự, 6.377 căn hộ và nhà ở một tầng.
Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091 m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189 m2. Quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương bao gồm 42 biệt thự, 4.890 căn hộ và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Số lượng nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương tập trung nhiều nhất vào Bộ Quốc phòng (khoảng 83.000 m2) và Bộ Công an (khoảng 67.000 m2).
Ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Quyết định này quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ bao gồm: Tiêu chuẩn diện tích sử dụng và định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ.
Chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - nơi 12 cựu quan chức chậm trả lại nhà công vụ
Đối tượng áp dụng là các đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014 gồm cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ. Nhà ở công vụ được thiết kế theo tiêu chuẩn diện tích sử dụng phù hợp với từng nhóm đối tượng (chức danh).
Theo Quyết định 27 của Thủ tướng, các biệt thự loại A có diện tích đất từ 450-500 m2, diện tích sử dụng là 300-350 m2 được bố trí cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Biệt thự loại B với diện tích đất tối đa 350-400 m2, diện tích sử dụng từ 250- 300 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên (trừ chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 1 tại khu vực đô thị, có diện tích sử dụng 140-160 m2, được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên đến dưới 10,4.
Tương tự, căn hộ chung cư loại 2 tại khu vực đô thị có diện tích sử dụng từ 100-115 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; trung tướng, thiếu tướng trong lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.
Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 3 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 1 tại khu vực nông thôn, có diện tích sử dụng từ 80-90 m2, được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,3...
Theo Quyết định 27, mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho biệt thự, căn hộ chung cư tại khu vực đô thị là từ 120-250 triệu đồng, với căn nhà ở khu vực nông thôn từ 75-120 triệu đồng.
Không trả nhà là hành động chiếm đoạt tài sản
Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - từng đăng đàn trên nghị trường về việc "tham nhũng biệt thự công và nhà công vụ". Ông cảnh báo có rất nhiều cán bộ cấp cao về nghỉ hưu nhưng không trả nhà công vụ.
Khi báo chí đăng thông tin 12 cựu quan chức cấp cao chưa chịu trả nhà công vụ, ông Lê Như Tiến đề nghị phải công khai tên tuổi và nói rõ chức danh là gì. "Nhà công vụ là tài sản của nhân dân, của đất nước. Nhà công vụ giao cho quan chức trong thời gian tạm thời, nếu có quyết định về hưu rồi mà vẫn không trả nhà công vụ thì có thể coi là hành động chiếm đoạt tài sản của nhà nước" - ông Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến, việc này đã để lại hình ảnh rất xấu của cán bộ, công chức - những người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Do đó, có thể xem xét nếu phạm vào luật hình sự chiếm dụng tài sản công thì phải truy tố trách nhiệm hình sự chứ không chỉ vận động hay đề nghị.
Còn theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây là bài học lớn với cán bộ cũng như cơ quan, tổ chức. Tài sản công - tư phải rõ ràng, tách bạch, nhất là với cán bộ, đảng viên càng không thể nhập nhèm. Nếu đã 2-3 lần nhắc nhưng họ không trả nhà công vụ thì các tổ chức Đảng phải kiểm điểm, nhắc nhở và công khai danh tính những người này.
"Công khai ở đây không nhằm mục đích bêu xấu họ mà để rút ra bài học, khi đã về hưu thì phải trả lại phòng cho cơ quan, trả lại nhà công vụ" - ông Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đồng tình với việc áp dụng các biện pháp mạnh hơn như kiểm điểm, xử lý kỷ luật và dùng những biện pháp cưỡng chế mạnh tay. Tuy nhiên cần phải kiểm tra lại xem đã thông tin đầy đủ về việc yêu cầu trả nhà đến tận tay tất cả những cán bộ này chưa, hoặc trong những cán bộ đó có ai thực sự gặp khó khăn không.
Trả nhà chậm nhất 90 ngày
Theo điều 34, Luật Nhà ở năm 2014, người thuê nhà ở công vụ có các nghĩa vụ trả lại nhà ở công vụ cho nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.
Theo điều 84, Luật Nhà ở, trường hợp người đang thuê nhà ở thuộc diện bị thu hồi không bàn giao lại nhà ở thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định cưỡng chế thu hồi. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.
|
theo CafeLand