Alomuabannhadat - Đó là một trong số nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Chính phủ vừa được ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Xây dựng các đô thị lớn và siêu lớn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết số 128/NQ – CP ban hành các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Cần có giải pháp quản lý mô hình ''thành phố trong thành phố'' đối với việc thành lập thành phố Thủ Đức
Theo đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng KTTĐ xoay quanh 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng; cơ chế điều phối vùng KTTĐ; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị lớn và siêu lớn trong vùng KTTĐ trở thành các thành phố hiện đại, đáng sống mang tầm cỡ khu vực. Trong đó, có các giải pháp để quản lý các mô hình ‘’thành phố trong thành phố’’ , ‘’đô thị thông minh’’, ‘’đô thị xanh’’,… gắn với giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Quốc gia, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và vùng. Đồng thời, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ bố trí nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, khẩn trương lập và trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của một số địa phương trong vùng KTTĐ đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao, sử dụng đất có hiệu quả, thu hút đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét,…
Vùng KTTĐ phía Nam ưu tiên phát triển bất động sản
Đối với vấn đề cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực tại các vùng KTTĐ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định một số ngành, lĩnh vực có lợi thế tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu cơ chế xây dựng trung tâm tài chính cấp khu vực tại TP.Hồ Chí Minh
Cụ thể, vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung vào xây dưng các trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao; phát triển các ngành công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao; ngân hàng, tài chính; y tế chuyên sâu; công nghiệp phụ trợ.
Vùng KTTĐ miền Trung tập trung vào du lịch biển, du lịch sinh thái; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp hóa dầu, công nghiệp quốc phòng; dịch vụ cảng biển.
Đối với vùng KTTĐ phía Nam tập trung vào sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số, tài chính ngân hàng; bất động sản. Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửa Long tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.
Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương như TP.Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng nghiên cứu cơ chế, xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng. Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa, thể hiện tính đặc thù, độc đáo của từng vùng KTTĐ,…
theo CafeLand