Chuẩn bị thời cơ đón dòng vốn FDI

Việt Nam kiểm soát dịch bệnh từ sớm và đến giờ vẫn làm chủ tình hình, điều này đã được các cơ quan có uy tín trên thế giới ghi nhận.

Nếu tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện nay và tránh được các cuộc phong tỏa kéo dài Việt Nam sẽ là một trong những nước thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

FDI giảm chỉ tạm thời

Tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đầu tư gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) đạt 12,33 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, việc góp vốn mua cổ phần của các NĐT NN giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư.

Tuy vậy, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016). Tính đến ngày 20/4, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài GS-TSKH Nguyễn Mại phân tích, FDI 4 tháng đầu năm giảm vì 2 lý do: Hoạt động mua bán sáp nhập sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, quy mô các dự án mua bán sáp nhập nhỏ hơn trước rất nhiều.

 Sản xuất điện thoại tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Nguyên nhân khách quan do thị trường chứng khoán phập phù trong mùa dịch, khối ngoại rút tiền, hàng hóa bán trong nước khó khăn nên DN khó có sản phẩm tốt để đưa lên sàn. Tình hình cổ phần hóa DN Nhà nước cũng chững lại nên, thu hút FDI giảm không phải là xu hướng mà chỉ mang tính tạm thời, ảnh hưởng chính từ dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh là một trong những đất nước an toàn nhất. Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ DN nước này rời Trung Quốc; Chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty của Mỹ sớm dời nhà máy tại Trung Quốc. Hiện một số DN đã về Mỹ, còn một số đến nước thứ 3 đầu tư, trong đó tại Đông Nam Á có Indonesia và Việt Nam đã được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn. Dưới tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các DN Mỹ tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm tăng trưởng, gián đoạn nguồn cung ứng nguyên phụ liệu... Kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari cho biết: “Thời kỳ hậu Covid-19, chúng tôi cho rằng các công ty FDI tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam nhưng lần này mạnh mẽ hơn".

Một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật do JETRO thực hiện về dự định ĐTNN, số DN chọn Việt Nam tăng từ 5,5 lên 41%, trong đó, số DN Nhật dự kiến đầu tư vào ngành điện tử tăng 15,6%, dệt may tăng hơn 14%. Hay như với các NĐT Đức, các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các DN Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn. Các thành viên EuroCham cũng hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Nắm bắt cơ hội

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2020, khu vực FDI vẫn xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD. Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ cho các DN vượt khó, trong đó bao gồm cả các DN FDI.

Sau đại dịch, các kế hoạch đầu tư bị tạm hoãn sẽ được khởi động lại, các NĐT dù có thận trọng hơn trong lựa chọn địa điểm đầu tư an toàn nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam. Dự báo về dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng - Giám đốc cấp cao GIBC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT cho rằng, sự sụt giảm có thể sẽ kéo dài trong năm 2020, song nếu chúng ta có những giải pháp đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, quản lý dự án đầu tư nước ngoài sẽ vẫn thu hút tốt dòng vốn FDI.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, muốn chặn đà giảm sút FDI, sau dịch, phải đến tận “headquater” (trụ sở chính) của NĐT để tìm kiếm các cơ hội. “Sau dịch, cạnh tranh thu hút FDI sẽ rất mạnh. Quan trọng là chúng ta chủ động” - ông Cung nói.

Hơn 8 tháng sau khi Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TQ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ mới đây đã chính thức ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này.

Theo đó, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ, bao gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động; hoàn thiện thể chế, chính sách chung về ĐTNN, về thu hút, bảo hộ đầu tư; Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ĐTNN… Bổ sung cơ chế khuyến khích đối với DN hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt các cam kết. Hay có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước…

Nhìn vào chương trình hành động của Chính phủ, có thể thấy rất rõ các thay đổi quan trọng của Việt Nam trong chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI thời gian tới. Sẽ có rất nhiều thể chế, chính sách được xây dựng để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, đồng thời cũng vẫn bảo đảm việc quản lý Nhà nước một cách hiệu quả… Tất cả là để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như khẳng định một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các NĐT NN.

"Báo cáo mới nhất của UNCTAD cho thấy, trong Top 5.000 tập đoàn đa quốc gia chiếm phần lớn dòng FDI toàn cầu đã ước tính sẽ giảm 30% lợi nhuận trung bình trong năm 2020 và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Tại Việt Nam, kinh tế dù đối mặt với khó khăn nhưng vẫn có mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia khác.

Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn với các DN FDI trong lương lai" - Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam Stephen Wyatt.

Điều tra PCI 2019 cho thấy, các DN FDI tiếp tục đánh giá tích cực môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là lĩnh vực đăng ký DN, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức, cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN.

Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế. Phía DN FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động kỹ năng.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất