Alomuabannhadat - Giới chuyên gia cho rằng, cần “tuýt còi” những doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao để thị trường này phát triển lành mạnh hơn.
TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định thị trường trái phiếu trong thời gian đã có hướng phát triển tương đối tích cực và đột phá.
Cụ thể, trong năm 2019, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250.000 tỉ đồng, tăng 7% so với 2018. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trên 70.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 35-37% tổng lượng phát hành.
Có thể nói, 2019 là năm ghi nhận hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sôi động nhất trong thời gian qua. Số liệu cập nhật từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, lũy kế 11 tháng của năm 2019, có 189 doanh nghiệp đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu, qua đó huy động được lượng vốn lên đến 233.000 tỉ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,13 năm.
Hai nhóm đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm qua là nhóm ngân hàng và bất động sản. Trong đó, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn qua kênh trái phiếu nhằm đáp ứng chuẩn Basel II cũng như lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản xem đây là một kênh để đa dạng hóa nguồn vốn khi hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Trong đó, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên tới 14-14,5%/năm, có trường hợp lên đến 20%.
Về phía các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu nếu thành công sẽ rất có lợi vì lãi suất dù cao hơn so với lãi vay ngân hàng, nhưng điều kiện lại dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, ở phía các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng mức lãi suất này là quá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua.
Theo ông Lực, về cơ bản, việc huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu là một tín hiệu tốt vì nó đáp ứng được nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang muốn kiểm soát tín dụng để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh hơn và cũng muốn phát hành thị trường tài chính cân bằng hơn thông qua việc phát triển đa dạng thị trường vốn.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, cần định hướng và quản lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn. Theo đó có ba việc cần làm.
Đầu tiên, cần phải hoàn thiện thể chế, rà soát lại Nghị định 163 liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có sửa đổi theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng giảm thiểu rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, cần có đầu mối để quản lý, giám sát tổng thể thị trường này. Công việc đó nên giao cho ủy ban chứng khoán.
Thứ ba, đối với một số trường hợp phát hành trái phiếu, khi lãi suất có hướng phá vỡ mặt bằng thị trường cũng cần “tuýt còi” kiểm soát để làm sao mặt bằng lãi suất không bị phá vỡ. Nhiều nhà đầu tư đôi khi lại chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu vì có lãi suất cao cũng là rủi ro khó lường trong tương lai.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), cũng đồng quan điểm, cho rằng trái phiếu doanh nghiệp là một thị trường đầy tiềm năng. Đây cũng là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.
theo CafeLand