Có gì ở khu đất 4,3ha tại Thủ Thiêm?

Alomuabannhadat – Khu đất 4,3ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng vẫn bị thu hồi khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình khốn đốn gần 20 năm qua.

Khu đất 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị thu hồi.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra một số sai phạm của TP.HCM và các cơ quan liên quan trong quá trình quy hoạch xây dựng dự án khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Một trong những điểm nhấn của kết luận này là việc khu đất có diện tích 4,3ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An) bị TP.HCM thu hồi dù không nằm trong ranh giới quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quyết định này đã khiến hàng chục hộ gia đình phải di dời, giải tỏa và cuộc khiếu kiện, khiếu nại đòi đất của người dân cũng bắt đầu tư đây.

Khu đất 4,3ha có vị trí nằm giáp đoạn đường Trần Não và Lương Định Của hiện vẫn là bãi đất trống để cỏ mọc um tùm. Bên trong khu đất chỉ còn sót lại một vài căn nhà xập xệ, đổ nát.

Loay hoay dọn đống rác vừa bị đổ chắn lối vào nhà, bà Nguyễn Thị Giáp (78 tuổi), một trong những người dân cuối cùng bám trụ lại trên khu đất 4,3ha này, cho biết: “Không hiểu sao trước cửa vào nhà của mình mà họ lại cứ đến đổ rác. Nhiều năm nay cứ hễ nghe có tiếng xe dừng trước cổng là tôi lại phải chạy ra xem, không cho người ta đổ rác. Nhưng rồi họ đổ vào ban đêm mình không biết, sáng ra lại phải dọn”, bà Giáp bức xúc.

Chỉ vào căn nhà hai tầng xập xệ gần đó, bà Giáp cho biết, đó là ngôi nhà “0 đồng” của vợ chồng bà. Căn nhà có diện tích khoảng 70m2 nhưng từng bị yêu cầu giải tỏa, di dời với giá “0 đồng”,  vợ chồng bà cũng không đủ điều kiện tái định cư.

Tuy nhiên, cũng giống như hàng chục gia đình khác ở đây, tin tưởng diện tích nhà mình không nằm trong ranh quy hoạch của dự án, vợ chồng bà quyết bám trụ đấu tranh tới bây giờ.

“Lúc trước người ta ở đây rất đông đúc, nhưng sau đó thì chính quyền yêu cầu giải tỏa để làm khu đô thị Thủ Thiêm. Nhiều người không đi nhưng bị cưỡng chế. Riêng gia đình tôi thì nhiều lần họ cưỡng chế vẫn không được vì chúng tôi kiên quyết là mình đúng, khu đất của chúng tôi không nằm trong quy hoạch”, bà  Giáp nói.

Bà Giáp nói thêm, từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, vợ chồng bà cũng như nhiều người dân ở đây như được giải thoát khỏi gánh nặng hàng chục năm qua. Những cố gắng của họ cuối cùng cũng được công nhận.

Tuy nhiên, bà Giáp vẫn không khỏi lo lắng: “Dù đã có kết luận chính quyền làm sai nhưng để xử lý và trả lại quyền lợi chính đáng cho những người dân như mình ra sao vẫn chưa rõ”.

Hiện tại, bên cạnh căn nhà của bà Giáp còn một số căn nhà khác, nhưng vì quá xuống cấp và thiếu thốn nên chủ đã dọn đi nơi khác và cho thuê lại. Một người thuê cho biết, dù có nhiều khó khăn như ngập nước, đường xá lầy lội, ruồi muỗi nhưng vì giá thuê rẻ, lại nằm gần các công trường nơi họ làm việc nên đã ở đây được nhiều năm.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất