Alomuabannhadat – Nhiều người cho rằng, việc cơ quan công an vào cuộc để xử lý những “cò đất” tung tin sai sự thật, thổi giá nhằm ngăn chặn cơn sốt đất ảo là việc cần làm. Song, không ít người đặt dấu hỏi, liệu đây có phải là giải pháp tối ưu để xử lý tình trạng trên?
Những cơn sốt đất ảo thường để lại hậu quả nặng nề cho thị trường bất động sản
Cần thiết
UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công an thành phố phối hợp với UBND các quận - huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng có hành vi đưa thông tin sai sự thật trong giao dịch bất động sản.
Cụ thể, những đối tượng có hành vi cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Động thái này của lãnh đạo TP.HCM được xem là cần thiết nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo diễn ra trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là cơn sốt đất nền lan rộng tại nhiều quận huyện ngoại thành gây những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến những cơn sốt đất ảo xuất phát từ những cò đất, người đầu cơ tung tin ảo, thổi giá nhằm lướt sóng trục lợi.
Đáng chú ý, tham gia ma trận này không chỉ có lực lượng “cò đất” cá nhân mà còn có nhiều tổ chức “đội lốt” doanh nghiệp bất động sản để lừa đảo khách hàng với những chiêu thức tinh vi rất khó phát hiện. Nhiều đơn vị chỉ là môi giới nhưng tự đứng ra vẽ dự án, tự nhận chủ đầu tư để lừa đảo khách hàng.
Phản ánh đến Alomuabannhadat, nhiều bạn đọc cho biết họ là nạn nhân của những công ty như trên. Những người này ban đầu muốn mua đất tại khu vực TP.HCM nhưng lại bị những công ty này dụ dẫn đi xem đất tận Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương. Sau đó, họ gây áp lực để người mua đóng tiền cọc, mua đất. Nhiều người bỏ tiền mua nhưng không được giao đất, đòi lại tiền cọc cũng không được.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc cơ quan công an vào cuộc để xử lý các đối tượng tung tin sai lệch, lừa đảo trong giao dịch bất động sản là cần thiết để bảo vệ người mua nhà đất và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
… nhưng chưa đủ
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ lâu dài để giải quyết tình trạng cò đất bát nháo như hiện nay.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giảng viên Đại học Ngân Hàng TP.HCM, cho rằng nghề môi giới bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn chưa chuyên nghiệp. Có một lực lượng rất hùng hậu không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí anh xe ôm, chị bán quán nước lề đường cũng có thể làm môi giới bất động sản. Những nhóm người này thường được gọi là “cò đất”. Để trục lợi, nhóm người này sẵn sàng tung thông tin ảo, thổi giá thậm chí lừa đảo người mua… nhưng rất khó để cơ quan công an xử lý họ.
“Cần phải có quy định chặt chẽ về nghề môi giới. Những người tham gia giao dịch, môi giới nhà đất cần được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề và phải chịu trách nhiệm với những thông tin của mình đưa ra”, ông Tín nói.
Tổng giám đốc một công ty chuyên phân phối đất nền cho biết, thực tế mọi giao dịch bất động sản đều theo quy chế thị trường thuận mua vừa bán. Đặc biệt, với tính chất đặc thù ai cũng có thể làm môi giới hiện nay thì rất khó để cơ quan công an có thể quản lý được việc họ có đưa tin đúng sự thật hay không. Thậm chí, nhiều giao dịch chỉ thực hiện bằng miệng giữa hai bên, thông tin trên giấy tờ nhiều khi cũng không đúng như thực tế.
Mặt khác, việc những “cò đất” vẫn sống tốt do tâm lý tham lam của không ít khách hàng. Nhiều người dù đang ngờ vực nhưng trước những thông tin về lợi nhuận hay mức độ sinh lời rất cao mà cò đất đưa ra thì sẵn sàng bỏ tiền.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, cách tốt nhất để chặn cò đất thao túng, tung tin là cần phải phải công khai các thông tin về quy hoạch đất đai. Vì khi đã công khai minh bạch mọi thông tin về đất đai thì người dân có thể biết được khu đất đó đang là của ai, sẽ làm gì, trong tương lai có cái gì và sẽ không bị “cò đất” dẫn dụ.
Đối với tình trạng đầu cơ, gom nhà đất thì cần quản lý bằng các chính sách thuế thật cao với những người sở hữu nhiều nhà đất.
Phó giám đốc một công ty địa ốc cho biết, hiện nay rất nhiều dự án rao bán trên mạng, thậm chí tổ chức mở bán rầm rộ dù chưa rõ ràng về pháp lý nhưng các cơ quan chức năng rất khó để vào cuộc vì không nắm rõ chứng cứ về các sai phạm của họ. Thường những vụ có cơ quan chức năng vào xử lý là đã diễn ra quá muộn và gây hậu quả rồi.
“Cơ quan công an không thể ngày nào cũng đi để giám sát theo từng người để nghe họ nói gì. Và những gì họ nói thì công an cũng khó mà biết được kiểm chứng được đúng hay sai nên rất khó xử lý”, vị này nói.
Do đó, bên cạnh việc minh bạch mọi thông tin về quy hoạch đất đai, nên tuyên truyền cho người dân hiểu được về quy hoạch, các thông tin về đất đai. Đồng thời, đưa ra các bài học cảnh báo, những lời khuyên hữu ích về mua nhà đất, cách kiểm chứng thông tin để người mua tự trang bị kiến thức tránh sập bẫy.
theo CafeLand