Cụm công nghiệp không phép giữa TP Biên Hòa: Làm ngơ cho sai phạm?

Trước năm 2010, Cụm công nghiệp Phước Tân (khi đó thuộc huyện Long Thành, nay thuộc TP Biên Hòa) có nguồn gốc đất do bà con khai phá để sản xuất nông nghiệp, nhưng sau khi UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch thì việc xây dựng trái phép đã nở rộ. Dư luận đặt nghi ngờ: Có hay không việc cơ quan chức năng, cán bộ sở ngành tiếp tay cho sai phạm tại đây?

Các nhà xưởng với quy mô lớn được xây dựng trong CCN Phước Tân

Lỗ hổng quản lý

Trong nhiều năm, UBND xã Phước Tân lẫn UBND huyện Long Thành (sau này là phường Phước Tân), UBND TP Biên Hòa có biểu hiện quan liêu, ngại đụng chạm nên không kiểm tra xử lý, kéo theo đó là những sai phạm với quy mô lớn. Đó là không xử phạt triệt để 18 trường hợp xây dựng trái phép và làm ngơ việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm. Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã kết luận về những sai phạm tại Cụm công nghiệp (CCN) Phước Tân: Vì trình độ non yếu nên từ năm 2015-2018 có tới 20 công trình bị xử phạt không đúng trình tự buộc hủy bỏ, dẫn đến 48 công trình trái phép mọc lên nhưng 18 trường hợp không bị xử phạt dẫn vi phạm kéo dài đến nay.

Quá trình thu thập hồ sơ, chúng tôi phát hiện có nhiều lỗ hổng trong quản lý, các cơ quan có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm nên các sai phạm cứ tiếp diễn. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai khẳng định rằng, các công trình tại CCN Phước Tân chưa được cấp phép và từ khi CCN Phước Tân hình thành cũng chưa tiến hành thanh tra công tác xây dựng tại đây. Mãi đến giữa tháng 4-2018, sở có phối hợp với một số cơ quan khác kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 9 công trình xây dựng không phép và yêu cầu rà soát tất cả công trình tại khu vực. Có lẽ đó là lý do mà CCN trái phép mọc lên cả chục năm, nhưng chỉ duy nhất một trường hợp bị xử phạt là Công ty TNHH Hoàng Thịnh Phát - Chi nhánh Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh thừa nhận, UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm về việc chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư, sử dụng điện, chưa kịp thời chấn chỉnh để xảy ra sai phạm kéo dài và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại CCN Phước Tân.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Chủ tịch UBND phường Phước Tân Nguyễn Tôn Trọng (nguyên Phó phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, được điều về làm Chủ tịch phường từ giữa năm 2018). Ông Nguyễn Tôn Trọng thừa nhận, tình trạng xây dựng trái phép đang hết sức phức tạp và chính quyền địa phương đang thực hiện giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng chờ hướng xử lý. Ngoài CCN 72ha không phép, còn có khoảng 100 doanh nghiệp giáp ranh khu vực này ồ ạt xây dựng nhà xưởng trái phép; trách nhiệm thuộc về UBND phường Phước Tân vì không có biện pháp ngăn chặn kịp thời để các trường hợp vi phạm hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng như hiện nay.

Công tác phối hợp trong quản lý về sử dụng đất - môi trường - xây dựng tại CCN Phước Tân rất lỏng lẻo, đến nay, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai chưa tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý CCN Phước Tân; dù từng xử phạt 17 trường hợp nhưng không tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép. Ngành điện lực Đồng Nai cũng có trách nhiệm vì để xảy ra việc câu móc điện tùy tiện; ngành thuế để một số cá nhân trốn thuế môn bài ảnh hưởng đến việc thu ngân sách cho Nhà nước. Các sai phạm đã rõ nhưng chưa có cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm.

Hợp thức hóa sai phạm?

Lần giở hồ sơ, chúng tôi phát hiện vào năm 2006, khu vực trên có 75 thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 19/73 thửa đất không có đơn đăng ký trong hồ sơ nhưng vẫn được UBND huyện Long Thành “ưu ái” cấp cho 4 công ty: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Hòa, Công ty cổ phần Gas Tấn Tài, Công ty cổ phần Chế biến sản phẩm nông nghiệp Quốc tế và Công ty TNHH Vener Huỳnh Lê. Đến lượt UBND TP Biên Hòa tiếp tục tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 7 trường hợp (9 thửa đất) từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ không phù hợp; cấp phép xây dựng tạm trái pháp luật đối với các trường hợp: bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, bà Vũ Thị Kim Liễu, Công ty TNHH SX-TM Phương Lương.

Một trong những lý do khiến sai phạm kéo dài là do UBND TP Biên Hòa  không báo cáo với UBND tỉnh Đồng Nai về sự phức tạp tại CCN Phước Tân. Trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, UBND TP Biên Hòa đã thừa nhận đã thiếu kiên quyết xử lý ngay từ đầu dẫn đến tình trạng này. UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo các phường Phước Tân, UBND TP Biên Hòa, UBND huyện Long Thành, Điện lực Đồng Nai, Điện lực Long Thành và các sở ban ngành liên quan phải chịu trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm; xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý các sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư kinh doanh… tại vị trí quy hoạch CCN Phước Tân. Đồng thời yêu cầu trong quá trình kinh doanh, các DN cam kết giữ nguyên hiện trạng khu vực hơn 72ha, chờ hướng xử lý tiếp theo. Dù vậy, chính quyền đang “tiến thoái lưỡng nan” trong tìm kiếm hướng giải quyết phù hợp, để vừa không làm thiệt hại tài sản của doanh nghiệp (có thể ảnh hưởng việc làm của hàng ngàn lao động) lại vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tháng 7-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên đến nay chính quyền tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm sai phạm tại CCN Phước Tân và hiện có 2 luồng quan điểm: Xử phạt doanh nghiệp vi phạm, xử lý cơ quan, người có trách nhiệm để xảy ra sai phạm, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu hoặc vẫn cho doanh nghiệp hoạt động, hợp thức hóa các sai phạm như sự đã rồi.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch đối với CCN Phước Tân nên câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Theo người dân địa phương, nhiều năm trở lại đây, giá đất tại CCN Phước Tân tăng vọt, kéo theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhảy vào mua lại, sau đó phân lô bán nền, khiến khu vực trở nên hỗn loạn, bát nháo. Nổi cộm nhất là tháng 10-2016, Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ bất động sản Việt Bảo Minh có văn bản đề nghị đầu tư và thành lập CCN Phước Tân, dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã phân lô cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp thuê đất xây hàng chục nhà kho, xưởng sản xuất quy mô lớn. Sau đó, tháng 5-2018, trước việc xây dựng tràn lan, UBND TP Biên Hòa buộc phải cưỡng chế đối với 6 trường hợp xây dựng trái phép, xử lý dứt điểm 52 công trình vi phạm và tạm dừng cấp điện tại CCN Phước Tân. Đỉnh điểm vào tháng 6-2018, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng buộc cho thôi chức Chủ tịch UBND phường Phước Tân Mai Tấn Tài vì buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất