Alomuabannhadat- Chính quyền quận Hải Châu (Đà Nẵng) vừa ra quyết định xử phạt chủ đầu tư hai cao ốc lắp kính gây phản quang chói mắt người dân ở khu vực xung quanh, với mức phạt 40 triệu đồng/công trình.
Đồng thời, trong 60 ngày, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đưa ra giải pháp xử lý, phải làm các thủ tục cần thiết để điều chính lại giấy phép xây dựng. Nếu không, công trình sẽ bị tháo dỡ.
Màu xanh hóa màu vàng
Trao đổi với báo giới, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết hai cao ốc bị phản ảnh lắp kính gây phản quang chói mắt là tòa nhà Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower của Công ty Pavnc Risemount.
Kiểm tra giấy phép xây dựng hai cao ốc này, cơ quan chức năng phát hiện tòa nhà SHB đã thi công sai cảnh quan kiến trúc được cấp phép: loại kính lắp ngoài tòa nhà màu xanh bị đổi thành màu vàng.
Với tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower, giấy phép lại không ghi rõ màu sắc được cấp phép. Cho nên đại diện dự án tổ hợp này đã không chịu ký biên bản nhận sai.
Theo phản ảnh của người dân, hai cao ốc trên sau khi hoàn thành lắp đặt phần kính bên ngoài, chủ yếu để tạo điểm nhấn cảnh quan, đã gây phản quang chói mắt những người sinh sống trong khu vực.
Trả lời vấn đề này, đại diện ngân hàng cho biết tòa nhà được lắp kính bên ngoài với sự tính toán kỹ thuật nghiêm túc, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất độ chói xung quanh. Việc chọn màu vàng thay cho màu xanh theo giấy phép nhằm mục đích tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo, làm tăng giá trị cảnh quan khu vực.
Đại diện tổ hợp P.A Tower cũng lý luận, cho rằng tòa nhà có ba mặt hướng về sông và không có góc chiếu nào quá chói nắng. Cả hai cao ốc này sẽ thường chỉ có ánh nắng chiếu vào gây phản quang vào đầu mỗi buổi sáng hay cuối mỗi buổi chiều, khi mặt trời nằm ngang độ cao các tòa nhà. Những thời điểm khác trong ngày, kể cả giữa trưa nắng gắt, hai cao ốc đều không gây phản quang như phản ảnh của dư luận.
Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến dư luận, đại diện hai cao ốc cho biết đang đề xuất các giải pháp xử lý ánh sáng từ kính phản chiếu ra khu vực xung quanh.
Cụ thể, mỗi cao ốc sẽ cho phủ lưới bên ngoài, với hy vọng sẽ giảm hiệu ứng ánh sáng phản quang nếu có, đồng thời sẽ trồng thêm cây xanh tại các ban công tòa nhà nhằm tạo những điểm xanh triệt tiêu hiệu ứng chói mắt.
Nếu không hiệu quả, các chủ đầu tư có thể tính đến việc thay thế các vật liệu khác để lắp bên ngoài cao ốc, cho dù diện mạo cảnh quan sẽ bị ảnh hưởng.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Vấn đề gây tranh cãi và chú ý của dư luận không chỉ dừng lại ở sai phạm của hai cao ốc. Không ít người đặt câu hỏi liệu cơ quan quản lý có chịu trách nhiệm hay không và sẽ chịu trách nhiệm đến như thế nào?
Một số đại diện nhà thầu có tham gia xây dựng ở Đà Nẵng cho rằng sai phạm của các công trình không phải tự dưng mà có. Trước hai cao ốc này, Đà Nẵng đã có không ít công trình gây tai tiếng khác, từ việc xây dựng sai giấy phép đến vi phạm các quy định an toàn xây dựng.
Trước đây, dư luận Đà Nẵng từng ồn ào về những công trình không chấp hành giấy phép xây dựng được cấp của đại gia Vũ “nhôm” ở đường Như Nguyệt (Hải Châu), những công trình xây dựng lấn chiếm không gian ở bán đảo Sơn Trà.
Gần đây nhất là vụ tổ hợp căn hộ Mường Thanh xây dựng “lố tầng” và sai phạm công năng sử dụng, báo chí tốn rất nhiều bút mực nhưng hiện vẫn chưa giải quyết xong.
Một chủ doanh nghiệp xây dựng lớn tại Đà Nẵng cho rằng một cao ốc lên tầng không chỉ trong vài ngày. Việc thi công công trình cũng thường xuyên bị giám sát của các lực lượng chức năng, từ quận cho đến sở xây dựng.
Theo nhiều người dân, chỉ cần đổ một xe cát ở vỉa hè, chưa đầy 30 phút sau đã có nhân viên đô thị quận đến lập biên bản vi phạm. Vậy tại sao một cao ốc lắp sai màu kính toàn bộ mặt dựng, thi công mất hơn hai tháng, ai đi qua cũng nhìn thấy mà cơ quan chức năng giám sát lại không biết và đến khi kiểm tra giấy phép mới phát hiện ra?
Nhiều người cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng Đà Nẵng phải xem lại phần trách nhiệm của mình, kiểm tra xem có hay không chuyện thông đồng với nhà thầu đầu tư các công trình vi phạm.
Trên thực tế, ai cũng hiểu rằng chẳng có nhà đầu tư nào cố tình vi phạm các quy định pháp luật nếu không có tín hiệu “đèn xanh” của cấp thẩm quyền nào đó.
Do vậy, chỉ khi nào làm rõ phần trách nhiệm từ chính các cơ quan chuyên môn cấp phép và giám sát mới có thể chấm dứt tình trạng các công trình xây dựng tự ý cơi nới, nâng tầng hay thay đổi thiết kế kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị Đà Nẵng.
theo CafeLand