Dân ở các khu tái định cư ven biển Cà Mau gặp khó

Nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra với cư dân sống ngoài đê biển Tây, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã cho xây dựng các khu tái định cư đưa dân vào ở. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên không ít hộ sau khi vào ở một thời gian thì bỏ đi nơi khác….

Nhiều nhà ở Khu tái định cư vàm Lung Ranh bị bỏ hoang

Nhiều nhà bỏ hoang

Những ngày tháng 3 trời nắng như đổ lửa, nhiều người ở Khu tái định cư vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) ngại ra ngoài. Có người mắc võng trong nhà, một số khác thì tụ họp chơi bài như một cách giết thời gian… Tiếp xúc với chúng tôi, chị Danh Hồng Quí cho biết, đã vào Khu tái định cư vàm Lung Ranh ở được hơn 4 năm. Vào đây có nơi ở ổn định nhưng cuộc sống thì lại không khá hơn là mấy.

Chị Quí giải thích: “Ông nhà tôi đi biển khoảng 20 ngày về một lần, còn tôi thì ở nhà trông giữ con. Ngoài việc cơm nước, đưa đón con đi học thì chẳng có việc gì khác để làm. Vì vậy, một người làm nuôi ba miệng ăn nên gia đình rất khổ. Sau Tết Nguyên đán, tôi định gửi con để đi Bình Dương làm thuê, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đành ở nhà, đợi tình hình lắng xuống thì đi”. Nhiều gia đình cho biết, khi được cấp nền vào ở Khu tái định cư vàm Lung Ranh còn được hỗ trợ tiền cất nhà. Ngành lao động cũng mở lớp đào tạo nghề cho các phụ nữ tại đây. Tuy nhiên, khi học xong thì thất nghiệp. Một cán bộ của ngành lao động địa phương tiết lộ: “Tại đây, mở được 2 lớp, có người học lớp đan giỏ, có người học lớp may mặc. Tuy nhiên, khi dạy xong thì cả hai lớp này đều không phát huy được tác dụng. Vì nghề may chỉ đào tạo có 3 tháng nên chưa lành nghề. Thêm nữa, hiện nay đa số người dân mua đồ may sẵn chứ không mấy ai thuê may. Còn nghề đan giỏ, học xong thì thất nghiệp luôn vì tại địa phương không có ai thuê”.

Ghi nhận thực tế tại các khu xây dựng phía sau đê biển Tây như vàm Lung Ranh, Hương Mai, Kênh Tư…, hiếm gặp đàn ông và thanh niên, ở nhà đa số là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Cũng tại các khu tái định cư này, nhiều ngôi nhà trống không, bỏ hoang. Nhiều người chia sẻ, vào sống tại các khu tái định cư thì ổn định hơn, không còn phập phồng lo sợ mỗi khi tới mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, cũng có bất cập bởi không có chỗ để bà con chạy ghe tàu vào trú đậu. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng khu tái định cư chưa đồng bộ, trạm cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị hư hỏng, môi trường thoát nước chưa được đảm bảo… Quan trọng nhất là thiếu công ăn việc làm nên nhiều người vào ở một thời gian rồi bỏ đi nơi khác.

Lắng nghe dân để đầu tư cho hợp lý

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết trước đây trong phương án được duyệt, trên địa bàn huyện thực hiện 3 khu tái định cư. Tuy nhiên, tỉnh đã có chủ chương dừng xây dựng 1 khu là Tiểu Dừa. Dân đưa vô khu tái định cư đa số hộ nghèo. Thời gian qua, dù huyện nhiều lần kết hợp với các sở ngành đến tìm hiểu, hỗ trợ giải quyết việc làm, nguồn vốn nhưng chưa đem lại hiệu quả cao. Đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã trực tiếp đi kiểm tra và dừng lại khá lâu tại Khu tái định cư Hương Mai để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống tại đây. Khu tái định cư này có nhiều hộ đóng cửa bỏ đi nơi khác làm ăn. Điều này cho thấy công tác bố trí tái định cư có nghịch lý: người được bố trí ở thì không ở, các hộ ngoài biển có nhu cầu nhưng không có tiêu chuẩn. Để các dự án tái định cư phát huy hiệu quả, các hộ dân vào sinh sống ổn định, cuộc sống được cải thiện tốt hơn, ông Lê Văn Sử yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của người dân; qua đó đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong đầu tư các dự án tái định cư, những khó khăn trong đảm bảo sinh kế cho người dân. Từ đó, có đề xuất các biện pháp phù hợp. Ông Lê Văn Sử cũng giao các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh danh mục vốn các dự án tái định cư đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân tốt hơn.

Đồng thời, rà soát lại các dự án tái định cư (bao gồm các dự án đã thực hiện, đang thực hiện và đề xuất mới), báo cáo đánh giá cụ thể đối với từng dự án, công trình, bao gồm: số hộ theo quy hoạch, số hộ đã bố trí, số hộ chưa được bố trí tái định cư; các hạng mục cần tiếp tục đầu tư (hoặc dừng thực hiện) để hoàn chỉnh dự án.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất