Alomuabannhadat - Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM, ghi nhận phân khúc này bắt đầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ cuối tháng 3/2020 bởi Covid-19 khi các phương án cách ly, làm việc từ xa bắt đầu phổ biến.
Lượng tiêu thụ văn phòng dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Đến cuối quý 1/2020, đại dịch phát triển với tốc độ nhanh chóng đã khiến các hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên khắp cả nước. Thị trường văn phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi các khách thuê xem xét lại nhu cầu thực tế về nhân lực và diện tích thuê.
Trong quý 1/2020, khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh, tăng 26% theo năm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020, Bộ Lao Động đã ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động phải nghỉ việc tạm thời.
Tại TP.HCM, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP (giảm -7 điểm phần trăm theo năm) và dòng vốn FDI cũng giảm 32% theo năm.
Dịch bệnh đã tác động đến ngành hàng không, vận tải, du lịch, sản xuất, bất động sản và tài chính. Trong đó, nhóm ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, thương mại và sản xuất, là những khách thuê chính tại các tòa nhà Hạng A và B chiếm hơn 60% diện tích thuê. Ngành vận tải và du lịch đã phải sa thải một lượng lớn nhân sự cũng như đóng cửa hàng loạt công ty. Các công ty dịch vụ đang phải đánh giá lại nhân sự, xem xét các biện pháp cắt giảm chi phí.
Theo ghi nhận của Savills, chủ đầu tư các dự án hạng C có xu hướng linh hoạt hơn trong việc giảm giá thuê và đàm phán các điều khoản phù hợp với cả hai bên, chẳng hạn như giảm đến 20% giá thuê trong tháng 3. Trong khi đó, chủ đầu tư các tòa nhà hạng A và B gần như chưa có hành động nào.
Đơn vị này đánh giá, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong ngắn hạn, khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn khi đàm phán hợp đồng, mặc cả các điều kiện. Các khách thuê sớm ra quyết định sẽ đàm phán được các điều khoản có lợi hơn. Covid-19 đã và đang khiến tỷ lệ văn phòng trống có xu hướng gia tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể sẽ xem xét lại hoạt động của văn phòng và cân nhắc các khả năng như làm việc tại nhà, giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc linh hoạt hơn.
“Chủ đầu tư và khách thuê sẽ thảo luận các ưu đãi để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn, hướng đến kết quả kinh doanh dài hạn và bền vững cho cả hai. Nếu muốn áp dụng giảm giá thuê hoặc chiết khấu trong dài hạn, khách thuê cần xem xét cam kết thời hạn thuê dài hơn để đảm bảo công suất tòa nhà và chia sẻ rủi ro với chủ đầu tư. Hoạt động của các văn phòng đang được xem xét lại để đảm bảo duy trì hiệu suất làm việc”, báo cáo có đoạn viết.
Trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ văn phòng bình quân đã đạt xấp xỉ 140.000m2/năm nhưng dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Đơn vị này ước tính, đến 2022 thị trường sẽ có thêm 360.000m2 sàn, trong đó 63% nằm tại khu vực ngoài trung tâm, phản ánh xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp diễn. Trong 9 tháng tới của năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 16 dự án mới gia nhập thị trường, cung ứng hơn 160.000m2 . Tuy nhiên, các dự án tương lai có thể bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của Covid, các biện pháp cách ly có thể dẫn đến thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và gián đoạn tiến độ xây dựng.
theo CafeLand