Alomuabannhadat – Nhiều người phải tích cóp cả đời để có thể mua một căn nhà, đầu tư một miếng đất. Đó chính xác là những đồng tiền từ “mồ hôi, xương máu” được họ gửi gắm để tìm một chốn an cư, hay kiến tạo một tương lai. Nhưng các bất động sản “dự án ma” đã cướp trắng giấc mơ của họ.
Chưa có đất vẫn ngang nhiên rao bán
Một buổi sáng cuối tháng 11/2020, ở một khu đất trống nằm trên đường Nguyễn Đôn Tiết (phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM) hàng chục người tập trung căng nhiều băng rôn đỏ rực gây chú ý.
Một trong số những nội dung được đăng tải trên băng rôn “Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long, địa chỉ 225 Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hãy trả tiền mồ hôi, xương máu và nước mắt cho chúng tôi”.
Khách hàng căng băng rôn đòi tiền đã đóng cho Công ty Bảo Long
Theo tìm hiểu, những người này là khách hàng mua đất nền của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long). Nguyên nhân của việc căng băng rôn là bởi, Công ty Bảo Long đã thu gần 120 tỉ đồng của khách hàng nhưng đến nay sau nhiều lần cam kết vẫn không bàn giao đất cho người mua.
Một khách hàng cho biết, từ tháng 1/2018, Công ty Bảo Long do ông bà Trần Thị Hồng Gấm làm Tổng giám đốc đã tổ chức rao bán rầm rộ 73 nền đất tại địa chỉ 51/1 Nguyễn Đôn Tiết, quận 2.
Khu đất này được giới thiệu là do ông Trần Thế Bảo (chông bà Gấm) đứng tên. Công ty Bảo Long cam kết sau khi khách hàng ký hợp đồng góp vốn đầu tư chỉ sau 6 tháng sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý để ra sổ đỏ riêng cho từng nền.
Lúc rao bán, để tạo niềm tin cho khách hàng, Công ty Bảo Long đã tổ chức san ủi, làm đường sá, xây dựng hạ tầng trên khu đất. Số tiền Công ty Bảo Long thu của khách hàng góp vốn mua dự án này lên đến gần 120 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm cam kết, phía Công ty Bảo Long vẫn không cung cấp hồ sơ hoàn thiện pháp lý, không ra sổ được cho khách hàng. Sau đó, nhiều khách hàng “tá hỏa” khi phát hiện thời điểm ký hợp đồng góp vốn lô đất này vẫn đang đứng tên người khác, chưa thuộc chủ quyền của Công ty Bảo Long.
Chính vợ chồng ông Bảo và bà Trâm sau đó cũng thừa nhận, dùng số tiền 120 tỉ đồng thu của khách hàng để trả tiền mua khu đất.
Như vậy, dù chưa chính thức làm chủ khu đất nhưng Công ty Bảo Long vẫn ngang nhiên tổ chức rao bán, huy động vốn của khách hàng.
Mọi chuyện dần sáng tỏ khi tháng 8/2019, UBND phường Cát Lái ra văn bản xử phạt hành vi xây dựng trái phép của công ty Bảo Long. Đến tháng 12/2019, UBND phường Cát Lái tổ chức cưỡng chế phá dỡ toàn bộ hạ tầng, công trình trái phép trên đất.
Đến tháng 8/2020, UBND phường Cát Lái khẳng định, thửa đất nêu trên chưa được cấp phép để thực hiện dự án phân lô, bán nền.
Những khách hàng đã đóng hàng tỉ đồng cho Công ty Bảo Long giờ trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, đất không có, tiền cũng không đòi lại được, họ chỉ biết tập trung căng băng rôn “kêu cứu”.
“Điệp khúc” lừa đảo
Thời gian gần đây, tại TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An, cơ quan điều tra công an đã liên tục khởi tố các vụ lừa đảo xảy ra tại các công ty bất động sản.
Điểm chung của những công ty này là đều thu gom các khu đất nông nghiệp, đất chưa đủ điều kiện thực hiện dự án rồi sau đó tự ý phân lô rao bán với mức giá rẻ để lôi kéo khách hàng mua dưới hình thức đặt cọc, hợp tác đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
Liên tục các vụ lừa đảo chiếm đoạt liên quan đến các "dự án ma" bị phanh phui
Mới đây nhất, Công an TP.HCM vừa bắt giam Hoàng Mạnh Cường (35 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu, Cường và Công ty Phát An Gia đứng tên tại 5 thửa đất thuộc quận 9. Dù những thửa đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện dự án, nhưng trong giai đoạn 2018 – 2919, ông Cường đã tự ý vẽ ra các dự án với tên gọi khác nhau rồi rao bán thu số tiền gần 100 tỉ đồng.
Anh Huy, một nhà đầu tư bất động sản kinh nghiệm cho rằng, sở dĩ những câu chuyện lừa đảo liên quan đến các “dự án ma” liên tục xảy ra trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có hai nguyên nhân chính đó là người mua non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, không tìm hiểu rõ pháp lý trước khi mua. Nguyên nhân thứ hai là do tâm lý đầu tư theo đám đông, hám rẻ, muốn lợi nhuận cao nhanh chóng của một nhóm người mua.
“Nhiều người biết trước dự án không ổn về pháp lý nhưng vẫn chấp nhận mua bởi thấy giá rẻ, cam kết bán lời nhanh. Các công ty cũng chỉ chờ có vậy để tìm các chiêu trò đánh vào tâm lý khiến người mua sập bẫy”, anh Huy nói.
Để tránh rủi ro trước khi mua nhà đất, Luật sư Đàm Bảo Hoàng – Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ, đầu tiên người mua cần kiểm tra lý lịch và tên tuổi của chủ đầu tư. Những doanh nghiệp đã từng làm nhiều dự án là một cơ sở để yên tâm. Tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, dự án qua báo chí, mạng internet.
Bước thứ hai cần đến UBND phường/xã nơi có dự án để kiểm tra xem dự án có giấy tờ gì chưa, có sổ đỏ chưa, dự án đã được phê duyệt chưa, có giấy phép xây dựng hay chưa. Sau đó, đến UBND quận nơi có dự án xem quy hoạch của dự án.
theo CafeLand