Theo các chuyên gia, bán nhà online qua livestream hoặc ứng dụng công nghệ thực tế ảo là xu hướng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...
Dịch Covid-19 kéo dài, bán nhà online bằng cách nào? (Ảnh minh hoạ)
Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, cơ quan chức năng khuyến cáo không tụ tập đông người thì "livestream bán hàng là một xu hướng". Đó là khẳng định của ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty cổ phần Bkav (Bkav) khi hỏi về giải pháp bán bất động sản (BĐS) qua mạng.
Theo ông Tuấn Anh, livestream bán hàng không phải là hình thức mới. Trước đây, livestream chủ yếu là hàng may mặc, tiêu dùng có giá trị vừa phải. Món hàng có giá trị lớn như xe cộ, nhà đất thông thường phải xem trực tiếp. Thông tin qua mạng chỉ mang tính chất tham khảo.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh lưu ý: Đứng trước tình trạng dịch bệnh như hiện nay, livestream cũng là một lựa chọn. Ngoài ra cũng còn rất nhiều hình thức trên các nền tảng khác. Tuy nhiên cần chú trọng, đầu tư chất lượng, tỉ mỉ hơn. Giống như việc dạy học trên tivi xuất hiện từ lâu nhưng giờ phải đầu tư bài bản, kỹ càng, cẩn trọng, đầy đủ và có hệ thống hơn.
Trước đó, tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong môi giới và đầu tư BĐS", một doanh nghiệp về môi giới BĐS đã đưa mô hình thực tế ảo vào các dự án, giúp người mua biết được căn hộ của mình ở tầng này sẽ được trông như thế nào, thậm chí khách hàng còn xem được tầm nhìn từ các cửa sổ, ban công căn hộ...
Khách hàng với công nghệ mới có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh dự án ở đa dạng góc nhìn để thấy toàn bộ dự án, chi tiết nội thất, màu sơn nhà mẫu, video dưới dạng 360 độ kèm âm thanh, lời thuyết minh phù hợp.
Các hình ảnh, video sẽ làm nổi bật vị trí và tầm nhìn của dự án, không gian sống, tạo cảm giác hài lòng, thỏa mãn cho người xem.
Anh Nguyễn Văn Toàn, môi giới bất động sản chia sẻ: "Bán hàng online cũng giống bán nhà ở tương lai, khách hàng đâu có thấy được ngôi nhà của mình vuông, tròn hay méo mó như thế nào. Chỉ có hồ sơ pháp lý, bản vẽ thiết kế căn hộ và dự án. Có chăng nhân viên môi giới đến trao đổi trực tiếp tạo sự thiện cảm, tin tưởng. Giờ dịch bệnh thì buộc phải trao đổi qua điện thoại, livestream, quay clip dự án, công trình đang thi công gửi cho khách hàng. Hồ sơ phá lý scan thì gửi qua email, facebook. Khách vẫn chốt và chuyển khoản đặt cọc".
Chị Phạm Thị Thanh, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng cho hay, khi chuyển tiền đầu tư dự án nghỉ dưỡng ở miền Trung cũng chỉ xem trên giấy tờ, trao đổi qua điện thoại. Gần 2 năm sau, dự án hình thành mới vào xem nhà và đóng tiền đợt cuối theo quy định của hợp đồng (đóng 5 đợt theo tiến độ dự án).
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, thay vì tổ chức sự kiện rầm rộ thì có thể thực hiện bán hàng online, bán hàng qua đại lý vẫn đảm bảo hiệu quả nếu như sản phẩm bán phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đây là cơ hội để các chủ đầu tư, môi giới tiếp cận đến những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực doanh nghiệp.
Theo nhận định của ông Toản, đợt dịch Covid-19 mặc dù cũng gây ra một số ảnh hưởng tới thị trường BĐS, tuy nhiên không phải ai cũng quá hoang mang về dịch. Khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn đang mong chờ những dự án đáng để xuống tiền.
“Các sản phẩm độc đáo, có tính an toàn về pháp lý và triển vọng tăng giá đón đầu quy hoạch hay một số sản phẩm khác như kiot chợ, sàn thương mại tại các chân đế tòa chung cư vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Do đó, thị trường vẫn có giao dịch khá tốt cho mảng thị trường ngách này”, ông Toản cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp đưa công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
theo CafeLand