Alomuabannhadat - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp không xin hỗ trợ về tiền mà chỉ xin cơ chế.
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng và các doanh nghiệp sáng ngày 9/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Lộc nói.
Đánh giá trong khó khăn, Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội lớn, chủ tịch VCCI nhấn mạnh để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Thúc đẩy đầu tư công và các biện pháp để kích thích nền kinh tế.
“Khi tôi hỏi các lãnh đạo doanh nghệp lớn họ cần gì, câu trả lời là họ biết Nhà nước đang khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế”, ông Lộc nói và đề xuất cần tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà để rút ngắn thời gian thực hiện mới là cứu cánh cho các doanh nghiệp.
Ông Lộc cũng đề cập đến khoảng tới 30 tỷ USD trong các kế hoạch đầu tư công nếu được đẩy nhanh sẽ tạo việc làm, thị trường và tạo sự cộng hưởng với đầu tư tư nhân, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư đối tác công ty.
“Nếu làm được điều này, không có lý gì chúng ta không đạt tốc độ tăng GDP trên 5% như quyết tâm của chính phủ”, ông Lộc nói.
88% doanh nghiệp kỳ vọng chính sách mạnh mẽ hơn
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp trong cả nước. Trong đó, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Báo Đầu tư
Đồng thời, có 88% doanh nghiệp nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào những hành động mạnh mẽ hơn.
Trong các kiến nghị, doanh nghiệp muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong các chính sách; công minh và thái độ của cán bộ cấp thực thi.
“Đây là điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói.
Theo kết quả của một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa,…
Về triển vọng tương lai, ông Dũng cho rằng phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn. Hiện tượng mua bán, sáp nhập tạo nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ. Bên cạnh đó, các quốc gia tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn cấu trúc lại hệ thống.
Với quan điểm nêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất các biện pháp phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới. Đồng thời, kích cầu, phát triển thị trường nội địa. Trong đó tăng đầu tư công và thúc đẩy giải ngân; Tháo gỡ nút thắt của lĩnh vực bất động sản, khuyến khích, thúc đẩy cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.
theo CafeLand