TP HCM: Gần 2000 ha đất công đã bị Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn “xẻ thịt” như thế nào?

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng, hàng nghìn ha đất tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đang bị cho thuê, hợp tác trái quy định của pháp luật…

Đem hàng nghìn ha đất công hợp tác trái quy định

Theo kết luận số 387 của Kiểm toán Nhà nước, tổng diện tích đất của SAGRI đang quản lý, sử dụng là 71.889.529 m2 (hơn 7.100ha). Tuy nhiên, quỹ đất này đang bị chia năm xẻ bảy trong tình trạng hết sức hỗn loạn.

Khu đất 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng được SAGRI hợp tác với Tập đoàn Trung Thuỷ thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kết luận có nhiều sai phạm.

Kết luận số 387 của của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của SAGRI) từng ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719m2 (1.919ha).

Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2015 đến 2016), lãnh đạo SAGRI đã ký thành lập 3 pháp nhân mới để hợp tác kinh doanh trên diện tích hàng triệu mét vuông đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, cũng như chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, ngày 22/7/2016, SAGRI và đối tác ký Hợp đồng hợp tác số 83 thành lập pháp nhân mới để triển khai thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) với diện tích 470 ha, khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa.

Theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng SAGRI vẫn bàn giao hơn 450 ha đất và một số tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa cho pháp nhân mới để thực hiện dự án (bàn giao trước khi pháp nhân mới được thành lập là 452ha đất).

10 ngày sau đó, ngày 2/8/2016, SAGRI và Tập đoàn Trung Thuỷ ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 để thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ SAGRI nhằm thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa.

Cũng như dự án ở trên, dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền, nhưng SAGRI vẫn bàn giao hơn 140 ha đất cho pháp nhân mới để thực hiện dự án. Đặc biệt, biên bản bàn giao khu đất đã được lập trước khi pháp nhân này ra đời.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, SAGRI bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa cho công ty mới thành lập khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan nhà nước là không đúng thẩm quyền, trái với Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, kết luận số 05 ngày 21/2/2019 của Thanh tra TPHCM khẳng định, việc bàn giao 1.120 ha đất cho hai pháp nhân mới thành lập là vi phạm Quyết định công nhận quyền sử dụng đất số 5039 ngày 16/9/2013 của UBND TP. HCM với Công ty Bò Sữa, Quyết định số 5039 quy định công ty này “không được cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, ngày 9/12/2015, Tập đoàn Trung Thuỷ và Công ty Agrimexco (công ty 100 vốn của SAGRI) ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 463, thành lập Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch.

Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri được thành lập, UBND Thành phố chưa ban hành quyết định phê duyệt danh mục các cơ sở phải di dời, Công ty Agrimexco chưa tính toán tổng mức đầu tư của dự án để đảm bảo khả năng tài chính.

Đồng thời, việc góp vốn thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn theo Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng, thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định số 91 của Chính phủ.

Sai phạm chưa dừng lại ở đó, từ năm 2015 đến 2017, SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794ha.

Cụ thể, ngày 7/12/2015, SAGRI đã ký 6 hợp đồng hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của SAGRI với tổng diện tích 26,4ha.

Đến ngày 19/5/2017, SAGRI và công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Sài Gòn VRG ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Đô thị Phạm Văn Hai để thực hiện dự án Khu công nghiệp Phạm Văn Hai và đô thị dịch vụ liền kề phụ vụ Khu công nghiệp trên khu đất có diện tích 768ha tại xã Phạm Văn Hai của Công ty Cây trồng.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, việc SAGRI góp vốn thành lập pháp nhân mới có ngành nghề kinh doanh bất động sản là không đúng quy định theo Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, là đầu tư ra ngoài ngành.

Ngoài ra, SAGRI còn hợp tác đầu tư theo hình thức không thành lập pháp nhân mới bằng cách ký 7 hợp đồng hợp tác với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích 114ha và ký 6 hợp đồng hợp tác theo phương thức tổ chức kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định, SAGRI được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất.

Thực chất của loại hợp đồng hợp tác này là SAGRI cho thuê lại đất trái với quy định. Việc ký 6 hợp đồng hợp tác các khu đất nói trên đều không có văn bản chấp thuận chủ trương UBND Thành phố.

Kết luận Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, công tác quản lý đất đai tại SAGRI cũng rất lỏng lẻo. Đối với đất giao khoán, qua kiểm toán cho thấy, diện tích đất giao khoán là 1.883ha với 774 hợp đồng giao khoán, trong đó có 417 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, không đúng với quy định của pháp luật hiện hành; 14 hộ gia đình, cá nhân có diện tích nhận khoán vượt hạn mức đất giao khoán theo quy định.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tổng diện tích đất của SAGRI bị tranh chấp, lấn chiếm cũng lên đến 235.062m2.

Theo báo cáo của Công ty Bò Sữa, tổng diện tích đất cho mượn, khoán trồng cỏ lên đến 872.200m2. Trong đó, 271.300m2 đất Công ty Bò Sữa cho Ban nhân dân ấp An Hoà mượn đến nay chưa thu hồi lại được.

Công ty Bò Sữa ký hợp đồng khoán trồng cỏ với 15 hộ dân với diện tích 600.900m2, nhưng hết thời gian giao khoán, các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng đất cho 103 hộ dân khác, diện tích đất chưa thu hồi được của 31 hộ dân là 142.000m2 (14ha); đất do SAGRI thuê lại không đúng quy định là 54.787m2.

Như vậy, tổng diện tích đất giao sai đối tượng, vượt hạn mức, bị lấn chiếm, chuyển nhượng, cho thuê lại và sử dụng để liên doanh, hợp tác đầu tư sai quy định pháp luật về quản lý đất đai, không đúng lĩnh vực mà SAGRI được phép đầu tư là rất lớn, gần 2 triệu m2, tương đương gần 2.000 ha.

Những thương vụ ‘coi trời bằng vung’, qua mặt lãnh đạo Thành phố

Không chỉ mang đất đai đi hợp tác tràn lan, cơ quan chức năng cũng đã kết luận lãnh đạo SAGRI đã đặt bút ký bán rẻ dự án cho đối tác.

Theo Kết luận Thanh tra số 05 của UBND TP.HCM, tại cuộc họp ngày 28/12/2017, HĐTV SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 có quy mô 36.676m2 (trong đó đất nhóm nhà ở chung cư là 6.305,7 m2, đất nhà liên kế là 9.568,4m2) cho Công ty cổ phần Phong Phú với số tiền là 168.212.003.347 đồng.

Dự án Khu nhà ở khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9.

Tuy nhiên, giá chuyển nhượng này được Thanh tra Thành phố nhận định là thấp hơn so với thị trường. Theo đó, việc SAGRI “sang tay” dự án với số tiền là 168.212.003.347 đồng, tương đương 10.566.678/m2 là thấp hơn giá Công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng từ thời điểm năm 2013 (13,9 triệu đồng/m2; thấp hơn 3.360.638 đồng/m2 x 15.919m2= 53,497 tỷ đồng) và thấp hơn giá chuyển nhượng dự án liền kế tại thời điểm chuyển nhượng dự án (29,1 triệu đồng/m2; thấp hơn 18.592.332 đồng/m2x15.919m2= 295 tỷ đồng).

Như vậy, việc chuyển nhượng dự án với "giá bèo" đã có dấu hiệu gây thiệt hại tài chính rất lớn cho SAGRI.

Ngoài ra, theo Thanh tra Thành phố, thực chất, đây là hình thức chuyển nhượng 28% phần vốn góp – là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho Công ty Phong Phú, việc chuyển nhượng không được tiến hành đấu giá để xác định giá trị thị trường là trái với quy định của pháp luật.

Ngoài kết luận của Thanh tra Thành phố, với dự án này, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng của Thành phố kiểm tra, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án, việc xác định giá trị chuyển nhượng, việc SAGRI cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do thay đổi quy hoạch dự án.

Chưa dừng lại ở đó, sai phạm của SAGRI tiếp tục xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò. Theo quyết định của UBND TP.HCM, năm 2004, SAGRI được chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng Cụm công nghiệp Lê Minh Xuân, cho phép liên doanh với Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh để thực hiện dự án Láng Le – Bàu Cò có quy mô 89ha với tổng mức đầu 683 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2010, SAGRI đã tự ý thay đổi đối tác từ Công ty Hồng Lĩnh sang Công ty cổ phần Phong Phú mà không có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM.

Kết luận Thanh tra số 05 chỉ rõ, khu đất được UBND Thành phố giao cho SAGRI đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp có nguồn gốc từ đất công do Nhà nước quản lý, thuộc trường hợp phải đấu giá khi chuyển đổi chủ đầu tư.

Việc chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty Phong Phú được xác định là trái với quy định của Luật Đất đai, không đảm bảo quyền lợi của SAGRI khi chuyển nhượng dự án và có khả năng gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Không chỉ dính tai tiếng tại TP.HCM, trong năm 2018, đã có đơn tố cáo Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn tại FORIMEX) bán hơn 31.000m2 đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho ông Nguyễn Chu Sâm với giá rẻ mạt là 280.000đ/m2, trong khi giá thị trường của khu đất tại thời điểm đó là 3.000.000đ/m2, gây thiệt hại nghiêm trọng lợi ích kinh tế, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Từ đơn tố cáo này, kết luận của Thanh tra số 05 cho thấy, ngày 29/5/2017, người đại diện phần vốn SAGRI tại FORIMEX đã có tờ trình xin ý kiến biểu quyết bán khu đất 36.617m2 đất tại xã Cửa Cạn của FORIMEX gửi HĐTV và Tổng giám đốc SAGRI và được SAGRI thông qua ý kiến của người đại diện phần vốn của Tổng công ty về việc chuyển nhượng 36.617m2 đất tại xã Cửa Cạn để thu hồi vốn đầu tư.

Tuy nhiên, kết luận Thanh tra khẳng định, về pháp lý, khu đất chuyển nhượng này do FORIMEX ký hợp đồng thuê với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang có quy định “không được chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên thứ 3”.

Do đó, việc bán 36.617m2 giá bèo nói trên được xác định là trái quy định, vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương: Có sai phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mọi kết thanh tra, kiểm toán của cấp trên thì cấp dưới phải thực hiện, và tùy theo mức độ sai phạm để xử lý kỷ luật.

Bây giờ phải quay lại lời của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói là không có vùng cấm, không có vùng trắng. UBND TP.HCM phải xem xét và xử lý, nếu không làm là không được, như vậy là không nghiêm.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Cơ quan chủ quản của SAGRI là UBND TP.HCM phải xem xét lại, nếu như thấy hình thức kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc SAGRI vậy là được rồi thì thôi, còn nếu thấy cảnh cáo như vậy chưa được thì phải cách chức. Và nếu ông này là đảng viên thì cũng phải xem xét tư cách đảng viên của ông Lê Tấn Hùng nữa.

Khi thanh tra, kiểm toán có thấy sai phạm rất lớn rồi, có tính chất hình sự rồi thì cần phải chuyển cho cơ quan điều tra để làm sáng tỏ, thậm chỉ có thể khởi tố vụ án để làm rõ những dấu hiệu sai phạm đó.

Ngoài việc kiểm toán và thanh tra xem xét rồi thì bên Đảng cũng phải xem xét. Nếu với kết luận của thanh tra, kiểm toán đã được ban hành nhưng UBND TP.HCM không xử lý đến nơi đến chốn thì báo chí có thể phản ánh đến Ủy ban kiểm tra Trung ương, hoặc Kiểm toán có thể làm công văn gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc.

Qua sự việc này cho thấy xây dựng chế độ trách nhiệm rất rõ, từ một sự việc nhưng có thế thấy được sức khỏe, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại đây đang như thế nào.

Nếu là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc nhưng để xảy ra sai phạm thì bản thân Đảng bộ của Tổng công ty ấy họp lại đi, tới đây lãnh đạo cái gì, nếu làm nghiêm túc ra thì sẽ rút ra bài học xương máu đấy.

Đảng bộ tại tổng công ty này phải rút kinh nghiệm, không những thế cũng cần phải xử lý kỷ luật đảng bộ này. Lãnh đạo sản xuất kinh doanh như thế nào, đảng bộ này có mất vai trò năng lực chiến đấu không…

Công an phải vào cuộc ngay:

“Với số lượng đất đai bị kết luận sai phạm như vậy thì khủng khiếp quá, dứt khoát cơ quan công an phải vào cuộc ngay, việc này không đơn giản nữa, đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng.

Vụ việc này theo tôi là quá lớn, Thanh tra và công an phải vào cuộc làm rõ chứ không thể xử lý ở mức kỷ luật hành chính nữa, cho dù ông này là ai thì cũng phải xem xét xử lý theo kỷ luật hình sự. Trước mắt, Chủ tịch Ủy ban TP.HCM phải ra quyết định dừng ngay việc làm Tổng Giám đốc, giao công việc đó cho người khác làm”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất