Alomuabannhadat - Theo thống kê của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, có 89,9% số lượng doanh nghiệp được khảo sát trả lời có chịu tác động của dịch Covid-19.
Các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải đối mặt như: không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh (58,4%), nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh (45,8%), thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp (44,3%), hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được (39,7%), không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh (38,5%), thiếu hụt nguồn vốn sản xuất kinh doanh (37,4%), thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (30,9%), không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động (27,2%)…
Các giải pháp ứng phó chính mà doanh nghiệp áp dụng như: đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động (36,04%), cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên (36,01%), cắt giảm lao động (32,73%), tạm dừng hoạt động SXKD (32,45%), cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên (32,11%), cho lao động nghỉ không lương (29,68%), giảm lương nhân công (19,21%).
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, doanh thu Quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 62,26% so với cùng kỳ năm 2019.
Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến 15/4, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.187 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.265 tỷ đồng; giảm 38% về số doanh nghiệp và giảm 44,5% về số vốn so với cùng kỳ 2019.
Về thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, thành phố đã thu hút được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư là 10.815 tỷ đồng (tăng 593% về vốn so với cùng kỳ); cấp mới được 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 74,846 triệu USD.
theo CafeLand