Nhiều chuyên gia cho rằng nếu lấp một phần hồ Thành Công để xây chung cư sẽ có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của thủ đô, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trong phương án mới nhất để cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đề xuất thành phố cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công, thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 3 tòa chung cư cao tầng.
Để người dân chọn lựa
Vihajico đưa ra 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công. Phương án 1 thực hiện theo đúng quy hoạch phân khu và các quy chế, quy định hiện hành, trường hợp này thì nhà nước phải hỗ trợ bố trí chợ tạm và bù lỗ cho dự án. Phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư. Phương án này không gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực khi 100% cư dân được tái định cư tại chỗ, có điều chỉnh ranh giới dự án để bố trí tạm cư.
Điểm đáng lưu ý của phương án 2 là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và bù lại cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267 m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Đây là lần thứ 2 Vihajico đề xuất lấp một phần hồ Thành Công. Trước đây 2 năm, Vihajico đã trình bày phương án này và gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân sống trong khu vực cũng như các chuyên gia.
Nhiều người dân sống quanh hồ Thành Công không đồng tình việc đánh đổi không gian hồ để xây chung cư
Theo ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công, trước đây nhà đầu tư đã đề xuất và vừa qua cũng có báo cáo TP phương án lấp một phần hồ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, chưa có bất kỳ việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến người dân. Phương án cải tạo chung cư cũ lấp một phần hồ hay giữ nguyên hồ Thành Công như hiện nay nên để người dân tự lựa chọn. Người dân tại khu vực đó sẽ chọn phương án nào bảo đảm được môi trường, cuộc sống của chính họ.
Nhiều người dân sống quanh khu vực hồ Thành Công cho biết họ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía chính quyền và nhà đầu tư trong kế hoạch cải tạo chung cư cũ lấp một phần hồ Thành Công.
Bà Nguyễn Thị Kim, một người dân sống ở khu vực hồ Thành Công, cho hay chưa biết cụ thể việc chủ đầu tư đề xuất lấp một phần hồ nhưng đa số người sống quanh khu vực hồ và bản thân bà sẽ không đồng tình với phương án này.
"Cải tạo chung cư cũ là việc cần thiết nhưng phải giữ được cảnh quan, phải bảo đảm được cảnh quan, việc đánh đổi lấp hồ thì không thể chấp nhận được. Vấn đề này chính quyền cần lấy ý kiến của người dân sống ở khu vực này để biết tâm tư, nguyện vọng của họ" - bà Kim lưu ý.
Gây áp lực lên hạ tầng
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội, khẳng định quan điểm không đồng tình và cho rằng phương án 2 là không hợp lý.
Theo ông Nghiêm, cảnh quan không chỉ là diện tích mà còn ở hình dáng. Trong phương án cải tạo khu tập thể Thành Công, tầng cao tối đa được đề xuất nâng lên tới 35 tầng và chiếm tới 70% là căn hộ nhỏ dưới 50 m2, 20% căn hộ 60 m2, 10% căn hộ 75 m2. Với tỉ lệ cơ cấu căn hộ như vậy, mật độ dân cư sẽ lớn hơn 10% so với quy hoạch dự định, như vậy sẽ gây áp lực lên hạ tầng xã hội.
Ông Nghiêm lưu ý khi cải tạo chung cư cũ thì việc nâng tầng phải tuân theo quy hoạch của thủ đô. Chuyện ở dự án cải tạo chung cư cũ khu Thành Công là một trong những điển hình xung đột giữa lợi ích của chủ đầu tư với lợi ích của người dân và cộng đồng. Một số dự án cải tạo chung cư cũ, chủ đầu tư muốn nâng thêm tầng cao và diện tích sàn xây dựng để có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc nâng tầng cao và mật độ cư dân sẽ phá vỡ quy hoạch và đây vẫn là vấn đề khó nhất của cải tạo chung cư cũ.
Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhiều phương án cải tạo chung cư cũ vừa trình Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP có điểm hạn chế rất lớn là đều đề xuất tăng nhà cao tầng, làm giảm nhiều chỉ tiêu về diện tích cây xanh, trường học và tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng. Trong khi đó, Hà Nội đang khó điều tiết giảm dân số nội đô nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trong điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực nghiên cứu quy hoạch hiện nay chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, việc các nhà đầu tư đề xuất tăng tầng cao công trình và quy mô dân số không phù hợp với định hướng quy hoạch chung và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội. Do đó, một số nội dung đang vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND TP Hà Nội và phải báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Phải giám sát chặt
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định việc lấp một phần hồ Thành Công hay bất cứ hồ nào ở Hà Nội là sai lầm, không thể chấp nhận được. Việc cải tạo chung cư cũ là cần thiết nhưng phải bảo đảm hài hòa nhiều vấn đề của đô thị. Nhà nước phải giám sát các doanh nghiệp, chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực chứ không được vì lý do này hay lý do khác để những doanh nghiệp không đủ năng lực vào triển khai, như vậy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó kiểm soát. Ở Hà Nội, những khu đô thị vệ tinh đang hình thành, chính quyền Hà Nội nên tạo điều điện cho các doanh nghiệp những lợi ích từ các khu đô thị đó thay vì lấp hồ để xây chung cư.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định nếu để toàn bộ việc cải tạo chung cư cũ cho doanh nghiệp sẽ khó khả thi, cần coi chung cư cũ là một dạng nhà ở xã hội mà nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong cải tạo. Chúng ta phải xác định việc thực hiện cải tạo chung cư cũ là từ nguồn vốn của nhà nước, có thể vốn trực tiếp hoặc nguồn vốn gián tiếp thông qua việc hoàn trả nhà đầu tư bằng quỹ đất.
|
theo CafeLand