Hàng loạt dự án ở Mũi Né 'xí đất' chục năm không triển khai

P.Mũi Né (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) có 39 dự án du lịch và bất động sản du lịch có kinh doanh, cho thuê (không tính các dự án đã đi vào hoạt động), nhưng tới 29 dự án chậm triển khai.

Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai ở phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Quế Hà

Các dự án này kéo dài từ đường Võ Nguyên Giáp ra tận khu Long Sơn - Suối Nước, giáp ranh huyện Bắc Bình với hàng nghìn hecta.

Theo báo cáo của UBND P.Mũi Né, trong số đó có tới 29 dự án được UBND phường xác định “chậm triển khai” (trên thực tế là chưa triển khai - PV). Đó là chưa kể 8 dự án đã bị UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi từ năm 2019. Thống kê của UBND P.Mũi Né cho biết, trong số 29 dự án chậm triển khai thì có tới 20 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2000 đến 2005, nghĩa là đã kéo dài từ 15 đến 20 năm từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ví dụ như Khu du lịch Bình Tây (chấp thuận năm 2001), Khu du lịch D&M (2002), Khu du lịch Thiên Thanh (2000), Khu du lịch sinh thái Biển San Hô (2001), Khu du lịch Biển Đông (2000), Khu du lịch sinh thái Ngọc Khánh (2004).

Dự án bất động sản trên một đồi cát ở P.Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Quế Hà

Ảnh hưởng tới cuộc sống người dân

Bà Trần Thị Lan, người dân ở gần quả đồi có nhiều dự án bất động sản cho biết, mấy ngày qua gió lớn, đồi cát bị gió xoáy bụi mù, có lúc như sương mù bao kín cả khu phố, nhà vừa quét xong đã đầy bụi cát đỏ. “Chúng tôi phản ánh nhưng chẳng thấy ai lên tiếng gì. Không biết mùa mưa tới, liệu cát đỏ có tràn xuống đường hay không, chưa thể biết được” - bà Lan lo ngại.

Nhận được thông tin này từ phóng viên Thanh Niên, Chủ tịch UBND P.Mũi Né Nguyễn Văn Vũ hứa sẽ cho ngay cán bộ phường đến xem xét và ghi nhận để chấn chỉnh.

Một dự án du lịch ở phường Mũi Né đổ cát lấn biển và bị xử phạt. Ảnh: Quế Hà

Dù được chấp thuận chủ trương từ năm 2004 đến nay chưa triển khai, nhưng cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn gia hạn thời gian cho 3 dự án trong số này. Đặc biệt, dự án Khu du lịch Phương Phát (chủ đầu tư là Công ty Dệt May) được cấp từ năm 2002, toàn bộ là diện tích “đất sạch” (tức đất của nhà nước giao, nhà đầu tư không cần phải thương lượng với ai - PV). Nhưng cho đến nay dự án này vẫn không triển khai.

Theo báo cáo, một số dự án không triển khai được vì không thỏa thuận được việc đền bù với dân. Vài dự án do chưa có hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là các chủ đầu tư muốn giữ đất để đầu cơ. Cụ thể là có nhiều dự án thay đổi giấy chứng nhận đầu tư nhiều lần (thực chất là bán dự án - PV) vẫn chưa triển khai, hoặc triển khai kiểu đối phó. “Khi bị chính quyền hối thúc thì lại cho xe máy vào làm hạ tầng để lấy cớ xin gia hạn dự án” - một cán bộ UBND P.Mũi Né nói.

Ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, cho rằng : “Để kéo dài các dự án ven biển, vốn là các "khu đất vàng" ở Mũi Né, sẽ gây lãng phí tài nguyên đất đai, thất thu ngân sách cho địa phương mà còn gây bất bình cho người dân, mất an ninh, an toàn xã hội. Tỉnh cần phải truy trách nhiệm cơ quan nào tham mưu cấp chủ trương đầu tư, giao đất cho các nhà đầu tư và thu hồi càng sớm càng tốt để phát triển kinh tế”.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất