Alomuabannhadat - Đây là một trong những đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trong văn bản góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật.
Việc này nhằm tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu. Thẩm định, đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đưa ra 2 kiến nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định về phát hành trái phiếu.
Cụ thể, điều 10 của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP có quy định mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. Trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
HoREA cho rằng, các doanh nghiệp lớn thường có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn trái phiếu; không cần thiết quy định khoảng cách thời gian tối thiểu 06 tháng giữa 02 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm. Cơ quan này đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 04 đợt trong 01 năm.
Ngoài ra, đối với quy định “Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Hiệp hội cho rằng hiện nay chưa cần thiết.
“Kết quả hoạt động phát hành trái phiếu của 177 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019, đã cho thấy có đến 149 doanh nghiệp, chiếm 84,2%, có giá trị phát hành trái phiếu dưới 03 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó chỉ có 28 doanh nghiệp, chiếm 15,8%, có giá trị phát hành trái phiếu trên 03 lần vốn chủ sở hữu”, văn bản của HoREA có đoạn viết.
Cũng HoREA, tổng giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của từng loại hình doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn điều lệ thấp, hoặc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ… thì có nhu cầu phát hành trái phiếu cao hơn mức 3 lần vốn chủ sở hữu.
Theo thống kê, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 01/2020 là 13.374 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm đến 55%. Đáng lưu ý là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp, chiếm 15,8% có giá trị trái phiếu phát hành vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, đáng lưu ý là có đến 11 doanh nghiệp vượt 50 lần, chiếm tỷ lệ 6,2%; có 06 doanh nghiệp vượt 100 lần, chiếm tỷ lệ 3,38% vốn chủ sở hữu.
theo CafeLand