Từ năm 2019 đến nay, nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư trên địa bàn huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, khảo sát những gói thầu này cho thấy, tình trạng hầu hết các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tỷ lệ tiết kiệm rất thấp. Trong đó có hàng loạt gói thầu “về tay” những nhà thầu “quen” tại địa bàn huyện.
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), từ năm 2019 đến nay, nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước được đấu thầu qua mạng đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Ảnh: Nhã Chi
Tại UBND xã Dục Tú, theo tìm hiểu, từ năm 2019 đến nay, bên mời thầu này công khai kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 14 gói thầu xây lắp. Các gói thầu đa số sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng phát triển địa phương. Đáng chú ý, dù được đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh, nhưng cả 14 gói thầu đều chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất và trúng thầu. Những cái tên trúng thầu thường xoay quanh một số nhà thầu khá quen mặt trên địa bàn. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đức Lâm (địa chỉ xã Dục Tú, huyện Đông Anh) trúng 6/14 gói thầu.
14 gói thầu sử dụng gần 64,8 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, sau đấu thầu tiết kiệm khoảng hơn 100 triệu đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm 0,15%.
Tại UBND xã Liên Hà, từ năm 2019 đến nay, bên mời thầu này đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng khoảng 25 gói thầu. Chỉ 2 trong số 25 gói thầu có 2 nhà thầu tham dự, 23 gói thầu còn lại chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất và trúng thầu. Có những gói thầu, chỉ tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Đơn cử như Gói thầu Toàn bộ chi phí xây dựng Dự án Cải tạo, nâng cấp các đường trục thôn xã Liên Hà có giá gói thầu 5.679.394.000 đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hiếu Hưng trúng thầu với giá 5.678.750.000 đồng (tiết kiệm 644.000 đồng, đạt tỷ lệ 0,01%); Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nạo vét và kè hồ lớn thôn Đại Vĩ, xã Liên Hà có giá gói thầu 10.577.789.000 đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Vinh Giang trúng thầu với giá 10.571.627.000 đồng (tiết kiệm 6.162.000 đồng, đạt tỷ lệ 0,05%).
Hầu hết các gói thầu đều thuộc về một số nhà thầu quen, trúng thầu với tần suất dày đặc tại bên mời thầu này, như CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thăng Long Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Thương mại Vạn Lợi, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đức Lâm, Công ty CP Sở hữu trí tuệ Minh Quân.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại UBND xã Nguyên Khê. Từ năm 2019 đến nay, bên mời thầu này công bố kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 20 gói thầu xây lắp. Trong số đó, chỉ có 1 gói thầu có 2 nhà thầu tham dự, 19 gói còn lại đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu. Nhiều gói thầu chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng, như Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường và kè hồ cửa làng thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê có giá trúng thầu 4.519.374.000 đồng, tiết kiệm được 1.289.962 đồng (giá gói thầu 4.520.663.962 đồng); Gói thầu số 01 Xây lắp thuộc Dự án Cải tạo hạ tầng, khu phụ trợ nhà văn hóa thôn Đồng, xã Nguyên Khê có giá trúng thầu 2.911.485.000 đồng, tiết kiệm 2.359.000 đồng (giá gói thầu 2.913.844.000 đồng).
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu xảy ra tình trạng đấu thầu qua mạng với hiệu quả cạnh tranh thấp. Thực tế, qua thống kê kết quả lưạ chọn nhà thầu của nhiều gói thầu xây lắp trong thời gian gần đây cho thấy, số lượng gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự còn phổ biến ở rất nhiều địa phương.
Theo các chuyên gia đấu thầu, gói thầu có số lượng nhà thầu tham dự ít sẽ hạn chế trong việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng về nặng lực và kinh nghiệm, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách cho nhà nước rất thấp.
theo CafeLand