Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một công ty thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã có khoản đầu tư đầu tiên vào lĩnh vực logistics của Việt Nam.
IFC sẽ cung cấp gói tài chính trị giá 70 triệu USD cho Indo Trans Logistics Corporation (ITL), họ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba vừa qua. Gói tài chính này là một nỗ lực nhằm hỗ trợ lĩnh vực logistics của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của đất nước trong bối cảnh bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.
“Bất chấp những bất ổn trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, IFC cam kết hỗ trợ đầu tư thiết yếu vào chuỗi cung ứng logistics của Việt Nam để giúp tạo điều kiện cho sự cạnh tranh thương mại hiệu quả hơn”, Kyle Kelhofer, Giám đốc phụ trách ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC cho biết.
Khoản vay sẽ giúp ITL có thêm các tài sản mới, phát triển các kho hàng và cơ sở vật chất, đồng thời triển khai các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn. Nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp công ty cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn cho nhiều nhà sản xuất địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
“Nguồn tài trợ dài hạn của IFC, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch hiện nay, là sự hỗ trợ rất có giá trị cho phép chúng tôi nâng cao hiệu quả của các tài sản logistics hiện có của ITL và mở rộng mạng lưới của chúng tôi”, Ông Ben Anh, CEO của ITL cho biết.
Đầu tư từ nước ngoài ngày càng tăng, chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cùng với sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng nội địa đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành logistics ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thị trường địa phương vẫn còn phân mảnh với hơn 95% nhà cung cấp dịch vụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với khả năng cạnh tranh thấp, theo IFC.
Hơn nữa, chi phí hậu cần cao là một trở ngại để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam cả trên thế giới và trong nước. Chi phí cho ngành logistics chiếm hơn 20% GDP của đất nước, theo dữ liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam.
“Đầu tư của IFC vào các công ty như ITL nhằm hỗ trợ sự phát triển của các công ty logistics tư nhân trong nước có khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần toàn diện và hiệu quả. Điều này sẽ giúp cải thiện năng lực của ngành để phục vụ ngành sản xuất có giá trị gia tăng ngày càng cao và các ngành công nghiệp chế biến, đòi hỏi một chức năng hậu cần phức tạp hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn”, ông Kelhofer cho biết.
Được thành lập vào năm 2000, ITL cung cấp dịch vụ hậu cần 3PL tích hợp bao gồm dịch vụ hàng không, giao nhận hàng hóa, kho bãi và hậu cần hợp đồng tại Việt Nam. Công ty hoạt động tại 30 thành phố trên khắp Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Singapore, thông qua mạng lưới gồm 17 công ty con và 7 công ty liên kết.
Vào tháng 7 năm ngoái, tập đoàn Symphony International Holdings có trụ sở tại Anh đã mua lại gần 30% cổ phần của ITL với giá 42,6 triệu USD, mở đường cho sự ra đi của SingPost tại Singapore, công ty đã mua lại cổ phần của ITL trước đó với giá 10,8 triệu USD vào năm 2011. Vào năm 2015, quỹ toàn cầu FranklinTempleton, thông qua 220 triệu USD từ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV, đã đầu tư 15,8 triệu USD vào ITL dưới dạng một khoản vay có thể chuyển đổi.
theo CafeLand