Alomuabannhadat - Lưu lượng khách tham quan giảm sâu khoảng 80% tại hầu hết các trung tâm thương mại trong tháng 2 và 3 do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2020 của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, sự sụt giảm lượng khách tham quan đã tác động trực tiếp tới ngành bán lẻ khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa tạm thời để cắt lỗ chi phí hoạt động. Hoạt động cầm chừng trong khi rủi ro trở thành ổ dịch bùng phát gây ảnh hưởng tới hình ảnh trung tâm thương mại khiến một số chủ nhà quyết định đóng cửa toàn bộ từ cuối tháng 3.
“Covid-19 đã khiến nhiều nhãn hàng quốc tế tạm hoãn hoặc cân nhắc lại kế hoạch khai trương cửa hàng tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong năm nay”, JLL cho biết.
Cũng chính diễn biến này đã khiến phân khúc mặt bằng bán lẻ khởi đầu năm 2020 một cách im ắng. Quý 1/2020, tại TP.HCM vẫn chưa có thêm nguồn cung mới. Trung tâm thương mại Parskson Đồng Khởi sau khi gây chú ý với sự khai trương của Uniqlo trong quý 4/2019 vẫn đang tiến hành cải tạo và tái cấu trúc khách thuê.
Không thể tổ chức các sự kiện để thu hút khách tham quan do quy định hạn chế tụ tập đông người, tất cả các trung tâm thương mại đều tập trung hỗ trợ khách thuê thông qua giảm giá thuê hoặc điều chỉnh chính sách thanh toán.
Một số chủ nhà như Vincom, Keppel Land ban hành chính sách giảm giá thuê trong tháng 2 và 3 cho tất cả các khách thuê, dao động từ 10-30% tùy ngành hàng, trong đó ưu tiên giảm sâu cho nhóm khách ngành bán lẻ chung, đến ngành hàng ăn uống và giải trí.
Các chủ nhà còn lại xem xét giảm giá thuê từ 10-50% tùy tình hình kinh doanh thực tế của mỗi gian hàng. Có chủ nhà còn áp dụng thêm hình thức thanh toán trả chậm đối với khoản tiền thuê trong thời gian ba tháng (tháng 3-5) sang các tháng sau, khi tình hình cải thiện hơn.
Bán lẻ là một trong các phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19
JLL đánh giá, diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch khai trương của gần 280.000 m2 sàn trung tâm thương mại dự kiến hoạt động trong năm 2020.
“Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục đương đầu với khó khăn trong quý 2/2020 trước chỉ thị cách ly toàn xã hội từ ngày 1-14/4/20 và dự kiến sẽ hồi phục dần nếu tình hình được cải thiện sau quý 2/2020”, đơn vị này dự báo. Đồng thời JLL cũng lưu ý các nhà bán lẻ cần tập trung hơn vào các trải nghiệm mua hàng trực tuyến và thanh toán không tiền mặt trong tương lai.
Với các chủ đầu tư trung tâm nội địa cần xem xét lại mô hình cho thuê truyền thống, trong đó chỉ thu giá thuê cố định của khách thuê sang mô hình chia sẻ doanh thu như các nhà bán lẻ quốc tế đang áp dụng trong thời gian gần đây nhằm chia sẻ rủi ro và gia tăng tương tác về mặt lợi ích giữa chủ nhà và khách thuê.
Trước đó, Savills Việt Nam cũng nhận định, trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch cúm Covid-19 gây thêm áp lực cho nền kinh tế tại các nước đang có dịch, trong đó có Việt Nam và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản.
Các mảng thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và bất động sản công nghiệp, thị trường nhà ở cũng không hề được “miễn dịch” bởi đại dịch này.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.HCM nhận định, đối với thị trường bán lẻ, Covid-19 có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến.
“Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn mà có thể làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm của chúng ta, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời. Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại, chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê”, bà Trang cho biết.
theo CafeLand